ĐBQH đề nghị Chính phủ nỗ lực triển khai các nghị quyết của Quốc hội trong phục hồi kinh tế - xã hội

Quốc hội đã dành 1,5 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH). Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022, các ĐBQH cho rằng dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên còn nhiều chương trình đang chậm triển khai và cần lưu tâm chỉ đạo trong thời gian tới.

Nghị quyết 43 của QH ban hành tại kỳ họp bất thường về chính sách tiền tệ, tài khóa để phục hồi kinh tế - xã hội được cử tri, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, đánh giá cao. Đây là gói hỗ trợ lớn với gần 350 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện quá trình triển khai còn chậm, mới chỉ được một vài lĩnh vực được thụ hưởng như: chính sách miễn giảm thuế, chính sách hỗ trợ công nhân… Những chương trình đầu tư cho y tế, hạ tầng với số vốn 176 nghìn tỷ thì vẫn chưa triển khai được.

Ông MAI VĂN HẢI - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: “Thời gian tới Chính phủ cần phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề triển khai tổ chức thực hiện chương trình, đồng thời cần phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn để triển khai tổ chức thực hiện chương trình. Đề nghị với Chính phủ phải sớm hoàn tất các thủ tục để phân bổ vốn, thực hiện các nội dung của chương trình cũng như thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù để triển khai thực hiện chương trình này được nhanh hơn và hiệu quả hơn trong năm 2022 là năm 2023".

Bên cạnh đó, ĐBQH cũng chia sẻ cần phải đẩy mạnh việc phát triển vùng, liên vùng, tạo ra nhiều mắt xích kết nối thành chuỗi sản phẩm. Hàng loạt hành lang pháp lý đã được ban hành từ các nghị quyết TƯ, Bộ Chính trị thì cần phải hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia để làm cơ sở định hướng phát triển các thế mạnh của vùng góp phần phát triển kinh tế -xã hội.

Ông SÙNG A LỀNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai: "Trung ương cần quan tâm, bố trí nguồn lực, nguồn vốn đầu tư cho các vùng. Đảm bảo các vùng đủ tiềm lực triển khai thực hiện, đầu tư hạ tầng, hạ tầng giao thông, nông nghiệp, nông thôn, liên kết lại với nhau. Tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm đặc hữu, tạo sản phẩm cho thị trường trong và quốc tế".

Nhằm tiếp tục hoàn thiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt đối với các doanh nghiệp./.

Thực hiện : Ngọc Thiện Ngô Trang Nhật Huy Đức Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dbqh-de-nghi-chinh-phu-no-luc-trien-khai-cac-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-trong-phuc-hoi-kinh-te-xa-hoi