ĐBQH đề nghị hình sự hóa hành vi sử dụng ma túy trái phép
'Ngày nào người sử dụng ma túy trái pháp luật không được quản lý, cai nghiện kịp thời thì ngày đó người dân vẫn bất an, trật tự xã hội an toàn vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường', Đại biểu Quốc hội Phan Ngọc Thọ nêu.
Cần siết chặt biện pháp quản lý người nghiện
Chiều 31-10, tiếp tục phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đoàn Long An cho biết số lượng người nghiện trong báo cáo của Chính phủ vẫn chưa được kiềm chế. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 225.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, song trên thực tế, con số này còn nhiều hơn.
Đại biểu cho rằng phần lớn số người nghiện hiện đang ở ngoài xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự, nguy cơ dẫn đến nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng. "Người nghiện ngoài xã hội cũng có nguy cơ kéo theo người khác nghiện cùng, người cai nghiện rồi ra ngoài xã hội có nguy cơ tái nghiện cao trên 90%", đại biểu nêu băn khoăn.
Về quản lý người nghiện, đại biểu chỉ ra những thực trạng khó khăn của việc đưa người nghiện vào các trại cai nghiện tập trung, trong đó có nguyên nhân cơ sở cai nghiện chưa đáp ứng được yêu cầu về nhân lực và cơ sở hạ tầng, các trại cai nghiện luôn quá tải, áp lực vỡ trại luôn trực chờ và trên thực tế đã xảy ra vài lần trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện cũng phức tạp, qua nhiều cơ quan xét duyệt và mất nhiều thời gian nên không phù hợp với thực tế.
Từ đó, để giải quyết căn bản những vấn đề liên quan đến người nghiện, đại biểu đề nghị Chính phủ bước đầu chỉ đạo việc nghiên cứu, sửa các văn bản dưới luật theo thẩm quyền, trước khi các luật liên quan đến xử lý người nghiện (Luật Phòng chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính) được sửa đổi và đi vào hiệu lực.
Đại biểu cũng đề nghị cần có một chương trình dài hạn liên quan đến người nghiện, từ nâng cấp cơ sở cai nghiện đến các chính sách giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa, đoàn TP Đà Nẵng sáng 31-10 cũng nêu vấn đề rằng theo quy định của pháp luật hiện nay thì người nghiện ma túy chỉ bị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy. "Vấn đề đặt ra ở đây là việc chuyển đổi dần từ cai nghiện ma túy bắt buộc sang cai nghiện ma túy tự nguyện không đem lại kết quả", đại biểu nói.
Theo bà Hoa, để cai nghiện ma túy thành công, ngoài việc dùng thuốc điều trị thì vấn đề cốt lõi là phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối tượng nghiện ma túy để cách ly với ma túy. Bởi vì người nghiện ma túy một khi đã lên cơn nghiện thì không thể kiểm soát được bản thân, do đó cần phải có sự kiểm soát của những người khác.
Đề nghị hình sự hóa hành vi sử dụng ma túy trái phép
Tại phiên thảo luận sáng 31-10, đại biểu Phan Ngọc Thọ, đoàn Thừa Thiên- Huế cho biết, trong thời gian qua mặc dù lực lượng Công an tại các địa phương đã triệt phá nhiều tụ điểm sản xuất, vận chuyển, sử dụng ma túy trái phép nhưng số lượng người sử dụng ma túy trong xã hội chưa giảm, đặc biệt trong lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Đại biểu cho biết nhiều cử tri lo lắng về mối hiểm họa của ma túy và mong muốn có những biện pháp hành động quyết liệt, đồng bộ trong xử lý tội phạm ma túy, đặc biệt là chế tài đối với người sử dụng ma túy trái phép.
"Nếu không xem người sử dụng chất ma túy trái phép là đối tượng vi phạm pháp luật thì cơ chế cai nghiện như hiện nay sẽ khó giảm số lượng người sử dụng ma túy trong xã hội. Ngày nào người sử dụng ma túy trái pháp luật không được quản lý, cai nghiện kịp thời thì ngày đó người dân vẫn bất an, trật tự xã hội an toàn vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường", đại biểu nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận chiều 30-10, liên quan đến vấn đề xử lý người sử dụng ma túy trái phép, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam) bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng số lượng người nghiện ma túy khi phát hiện hàng loạt quán bar, vũ trường, karaoke ở nhiều tỉnh thành chứa hàng trăm thanh niên dương tính với ma túy thời gian qua.
Theo quy luật cung cầu, người nghiện tăng sẽ làm tăng tội phạm vận chuyển, mua bán, sản xuất ma túy. Một số vụ án ma túy lớn được phát hiện trong thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi lo lắng khi người nghiện dễ phạm tội nếu không được cai nghiện, thậm chí giết người, sẵn sàng gây thương tích, đòi nợ thuê, lừa đảo, cướp giật, gây bất ổn xã hội.
"Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp bị kích thích không làm chủ được hành vi dẫn đến giết người, gây tai nạn giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với xã hội, trong khi theo báo cáo thì phần lớn người nghiện lại đang ở ngoài xã hội" đại biểu bày tỏ.
Theo đại biểu, mặc dù Chính phủ quan tâm quản lý nhưng số người nghiện đưa vào cơ sở bắt buộc cai nghiện không nhiều do vướng thủ tục, biện pháp tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng kém hiệu quả nên tỷ lệ tái nghiện cao.
Để giải quyết hiệu quả vấn nạn này, đại biểu đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng đơn giản thủ tục, tập trung cai nghiện, kéo dài thời gian và liệu trình cai nghiện, bổ sung biện pháp bắt buộc lao động công ích, củng cố cơ sở cai nghiện, xem xét hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.