ĐBQH đề nghị rà soát quy định về xử lý hình sự Ban Quản trị nhà chung cư
Thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19-6, nhiều ĐBQH đề nghị rà soát quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự Ban quản trị nhà chung cư, đồng thời cân nhắc kỹ việc người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam …
Thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP. Hà Nội) phát biểu, khoản 3, Điều 146 Dự thảo quy định, các quyết định của Ban quản trị nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn quy định tại Điều này và Quy chế hoạt động của Ban quản trị thì không có giá trị pháp lý; trường hợp vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Đại biểu cho rằng, quy định này chưa thống nhất với quy định của BLHS 2015, còn bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Hơn nữa, BLHS quy định, chỉ pháp nhân thương mại mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ban quản trị nhà chung cư không phải là pháp nhân thương mại, nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên cơ sở đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị sửa khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung cụm từ “thành viên” vào trước cụm từ “Ban quản trị nhà chung cư”; bổ sung cụm từ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” vào trước cụm từ “vượt quá quyền hạn”.
Ngoài nội dung trên, Khoản 3 Điều 152 dự thảo luật quy định, trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đại biểu, quy định này chưa phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, không thống nhất với đoạn 2 khoản 1 Điều 5 và khoản 3 Điều 144 Bộ luật TTHS 2015.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 152 thành “trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì UBND cấp tỉnh kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc này”.
Cũng tham gia phát biểu thảo luật về Dự án Luật Nhà ở sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, các quy định liên quan đến cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng…
Bên cạnh đó, về quy định cá nhân, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã được phép mua nhà đất, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định như dự thảo Luật là chưa rõ ràng, vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hàng năm số lượng rất nhiều, do vậy đề cần phải cân nhắc một cách thận trọng.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nên chăng chỉ quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà, đất tại Việt Nam.
Đại biểu cũng cho biết, thời gian qua, dư luận rất bức xúc với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức của Việt Nam thu mua nhiều đất đai. Do vậy, chúng ta nên có giới hạn về thời hạn sử dụng đất…