ĐBQH đề xuất chính sách an sinh gắn với từng đơn vị gia đình

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - đã có những phân tích kỹ lưỡng về thách thức của gia đình trong xã hội hiện đại, khi các giá trị truyền thống dần mai một, từng thành viên bị ảnh hưởng, xa cách bởi ảnh hưởng từ mặt trái của công nghệ. Cùng với đó là những đề xuất về chính sách để phát huy tốt vai trò của gia đình hiện nay.

Bạo lực gia đình, trẻ bị xao nhãng gia tăng

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng nay 31/10, ĐBQH Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) dành trọn phần phát biểu của mình để phân tích về thực trạng về gia đình VN hiện nay, nhấn mạnh vai trò là “tế bào xã hội”, là tổ ấm nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất, trí tuệ, nguồn nhân lực của quốc gia, xây dựng nhân cách con người.

Tuy nhiên, xã hội càng phát triển thì gia đình càng thay đổi về quy mô và cách vận hành, theo ĐB Nguyệt. Thách thức này thậm chí còn lớn hơn rất nhiều khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

ĐBQH Lê Thị Nguyệt. Ảnh: quochoi.vn

ĐBQH Lê Thị Nguyệt. Ảnh: quochoi.vn

Minh chứng cho điều này, ĐB Nguyệt cho biết, trước hết là sự đa dạng của gia đình như không đăng ký kết hôn, mẹ đơn thân có yếu tố nước ngoài,… đặt ra nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh trong bảo vệ, hỗ trợ trẻ em.

Cũng theo bà, có thực trạng trẻ em bị xao nhãng ngay trong chính gia đình của mình. Nhiều em không có cơ hội được sống chung với cha mẹ do cha mẹ đi làm ăn xa hay phải làm thêm giờ, xuất khẩu lao động; trẻ em sống trong gia đình có người thân vi phạm pháp luật, đặt ra vấn đề cần bảo đảm quyền của trẻ em và người chưa thành niên từ trong gia đình.

Cùng với đó là sự cách biệt về tâm lý, quan điểm sống, v.v. giữa các thế hệ và nhiều yếu tố khác đã tác động, ảnh hưởng xấu khiến một bộ phận trẻ em và người chưa thành niên không có cơ hội được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ một cách tốt nhất.

“Đây là một trong những nguyên nhân gia tăng số trẻ em mắc tệ nạn xã hội, nghiện games và phát triển không lành mạnh hoặc phát triển không bình thường, trẻ em tự kỷ, rối loạn tâm thần, tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên và học sinh, sinh viên…” - ĐB nêu thực trạng.

Đặc biệt theo bà, nạn bạo lực gia đình vẫn hoành hành. Bà dẫn chứng, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Chương trình nghiên cứu gia đình của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2017 có 31,8% phụ nữ bị chồng bạo lực tinh thần và 3,6% bạo lực thể chất. Trong 10 năm từ 01/7/2008 đến 31/7/2018 có 76,6% các vụ án ly hôn được Tòa án nhân dân các cấp thụ lý và giải quyết cho ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động và ảnh hưởng khá lớn đến gia đình, nhất là những ảnh hưởng trái chiều, tăng khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình, thành viên ít có thời gian cho gia đình, vận dụng sai thông tin dẫn đến hậu quả xấu, do không có khả năng sàng lọc, dẫn đến giao tiếp, ứng xử khó khăn, cha mẹ khó kiểm soát được con, v.v..

“Đó còn có sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình, việc xem nhẹ các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, hôn nhân cận huyết thống, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, buôn bán người, ma túy, mại dâm, cờ bạc, tín dụng đen, cầm đồ… cũng tác động không tốt đến gia đình nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý” – nữ đại biểu nhận định.

Hình ảnh gắn kết gia đình đang ngày càng thu hẹp trong xã hội hiện đại theo ĐB Nguyệt. Ảnh minh họa

Hình ảnh gắn kết gia đình đang ngày càng thu hẹp trong xã hội hiện đại theo ĐB Nguyệt. Ảnh minh họa

Tiếp cận đến đơn vị gia đình trong đầu tư an sinh xã hội

Trước thực trạng này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội QH Lê Thị Nguyệt đề xuất một số vấn đề về chính sách kinh tế - xã hội năm 2020, với mong muốn đầu tư nhiều hơn cho gia đình.

Thứ nhất, thay thế dần các chính sách không phát huy được vai trò của gia đình trong phát triển kinh tế, như trợ cấp cho không, vay không lãi suất, bằng các hình thức thúc đẩy thiết thực hơn về cơ hội đầu vào là nguyên vật liệu, thiết bị, đất đai, v.v. và đầu ra là thị trường tiêu thụ sản phẩm.

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư cho chính sách an sinh xã hội theo hướng tiếp cận tới đơn vị gia đình, hiện nay đã có bảo hiểm y tế, trong đó bảo đảm chính sách an sinh xã hội gồm cả phòng ngừa, ứng phó, khắc phục rủi ro, xây dựng an sinh xã hội toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có tiêu chí rõ ràng và thúc đẩy bảo hiểm xã hội toàn dân. Đây là cốt lõi của an sinh xã hội bền vững”- ĐB Nguyệt nói.

Thứ hai, Chính phủ cần rà soát, xác định đúng, đủ và toàn diện các tiêu chí liên quan đến gia đình trong thống kê chung và thống kê về giới. Tiếp tục nghiên cứu sâu về khía cạnh liên quan đến gia đình và mối quan hệ trong gia đình.

Thứ ba, hướng tới xây dựng chính sách về giáo dục tiền hôn nhân và giáo dục gia đình theo các hình thức phù hợp, thiết thực, gắn với các giai đoạn phát triển của đời người.

Thứ tư, cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước về dân số, gia đình, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới đủ mạnh để thực hiện các chức năng quản lý nhà nước và dịch vụ công dành cho gia đình.

“Trong bối cảnh cải cách hành chính về bộ máy nhà nước cần tính đến vấn đề này, xuất phát từ vị trí, vai trò của gia đình và các mối quan hệ thành viên trong gia đình để chúng ta có thể bố trí về mặt nhân lực và nguồn lực, đặc biệt là kinh phí dành cho công tác lĩnh vực gia đình hiện nay còn rất thấp. Đề nghị ĐBQH quan tâm hơn đến vấn đề này”- ĐB Lê Thị Nguyệt đề xuất.

D.H

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/dbqh-de-xuat-chinh-sach-an-sinh-gan-voi-tung-don-vi-gia-dinh-post66334.html