ĐBQH đề xuất rà soát việc thu hồi đất để cung ứng các dịch vụ y tế, dưỡng lão, trường mầm non

Ngày 9/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Các ĐBQH cho ý kiến liên quan đến những quy định ghi trong dự thảo luật như: Việc ban hành bảng giá đất hàng năm; thu hồi đất; quy hoạch đất…

Thảo luận tại Tổ 15, ĐBQH Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình quan tâm tới quy định trưng dụng đất, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Đại biểu cho biết, dự thảo Luật đã liệt kê rất kỹ về những vấn đề này.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi dự thảo đã liệt kê rất cụ thể, chi tiết nhưng nếu liệt kê quá kỹ sẽ dễ bị thiếu, dẫn đến không đầy đủ và quá trình tổ chức triển khai thực hiện có thể gây khó cho các địa phương. Do đó, bà Ngọc cho rằng, cần những quy định cụ thể, nhưng cũng phải linh hoạt vì có những trường hợp vừa phải đảm bảo theo quy định và đảm bảo hợp tình, hợp lý.

ĐBQH Đỗ Đức Duy – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, tại điểm a khoản 3 Điều 79 quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng khác, đại biểu đề nghị bổ sung thêm "các dự án khu đô thị do tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện".

Tổ 15 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Khánh Hòa, Bình Phước.

Tổ 15 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Khánh Hòa, Bình Phước.

Đối với quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng, dự thảo có quy định các khoản hỗ trợ bao gồm hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tái định cư…

Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ có quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm nhưng chưa có quy định về việc hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất và hỗ trợ tái định cư. Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định về hỗ trợ cho nhóm người bị hạn chế khả năng lao động như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân, hộ gia đình nghèo, người già neo đơn,…

Đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.

Đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.

Liên quan đến vấn đề điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, tại Tổ 6, các ĐBQH đề nghị bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013, không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải được quy định trong Luật (luật định) gắn với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường hợp "thật cần thiết".

Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung quy định điều kiện về nguồn lực, tình hình địa phương trong từng thời kỳ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề cập, Điều 79 trong dự thảo Luật đã quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo tính minh bạch.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát, đặc biệt với các trường hợp thu hồi đất để cung ứng dịch vụ công như các cơ sở y tế, dịch vụ xã hội, dưỡng lão, phòng chống dịch bệnh, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành, cơ sở đào tạo, nhà trẻ, trường mẫu giáo, cơ sở thể dục thể thao. Đại biểu cho rằng, nhiều dịch vụ công hiện nay đã được thực hiện xã hội hóa, nếu thu hồi đất để phục vụ tư nhân cung ứng dịch vụ này thì không hợp lý.

Các ĐBQH thảo luận tại Tổ 2.

Các ĐBQH thảo luận tại Tổ 2.

Tại Tổ 2, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP. HCM cũng quan tâm đến các quy định về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự thảo luật cũng đã quy định rất cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH, vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định rõ nội hàm dự án phát triển KT-XH, vì lợi ích quốc gia, công cộng có điều kiện, cứ tiêu chí.

Dự thảo luật cũng đã điều chỉnh cụ thể hơn về các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất, người dân có đất bị thu hồi được đảm bảo có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi…

Các đại biểu cho rằng, những nội dung này cũng đã thể hiện đầy đủ tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương là sửa đổi quy định đất đai theo hướng có lợi nhất cho người sử dụng đất; luật hóa rõ ràng nghĩa vụ của cơ quan chính quyền là phải tạo điều kiện cho người dân có thu hồi đất có cuộc sống bằng hoặc thậm chí tốt hơn nơi ở cũ...

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dbqh-de-xuat-ra-soat-viec-thu-hoi-dat-de-cung-ung-cac-dich-vu-y-te-duong-lao-truong-mam-non-169230609163224295.htm