ĐBQH ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ: KHÔNG ĐỂ SÓT QUYỀN, NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHI PHÁT HIỆN VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi bảo đảm không để sót quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi phát hiện vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 này. Đây là dự án Luật khó, rất quan trọng, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, được tổ chức, doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Việc sửa đổi toàn diện Luật này góp phần hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai; Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Đất đai cũng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 coi đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật... Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng; các tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình.
Để đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nhất khi thông qua dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ cụ thể hóa tại Luật những nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chín, đã đủ rõ. Đối với những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều kiện thực tiễn chưa cho phép quy định ngay tại Luật để trình Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đối với những nội dung thực tiễn phát sinh nhưng chưa được tổng kết, do đó chưa được đề cập trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động cho thấy có cơ sở hợp lý và nhận định cần thiết bổ sung quy định, đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật.
Mặt khác, nếu là những nội dung đã được tổng kết nhưng chưa đạt được sự đồng thuận, còn có ý kiến khác nhau, chưa đủ chín, đủ rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn, vì vậy, không được kết luận tại Nghị quyết số 18-NQ/TW thì đề nghị không đưa vào dự thảo Luật. Đối với một số nội dung, chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW chưa được thể chế trong dự thảo Luật vì không thuộc phạm vi điều chỉnh, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, triển khai theo Kế hoạch số 08-KH/TW của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục rà soát các luật có liên quan, đánh giá tác động kỹ lưỡng, kịp thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để quy định cụ thể tại Mục 2 Chương XVI dự thảo Luật. Đối với các dự án Luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định có liên quan và đề xuất chỉnh sửa tại Luật Đất đai (nếu có) theo nguyên tắc bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh tại mỗi Luật, không nhắc lại tại Luật này nội dung quy định của Luật khác và ngược lại mà có quy định dẫn chiếu việc thực hiện theo quy định của Luật khác có liên quan; trình Quốc hội xem xét theo quy định.
Để bảo đảm tính khả thi và tính thống nhất của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội có 02 ý kiến về Mục 3, Chương XV dự thảo Luật về “xử lý vi phạm pháp luật về đất đai”. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, 03 Điều: 237, 238 và 239 của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) còn 05 hạn chế sau:
Một là: Không thống nhất đối tượng bị xử lý giữa Điều 238 và Điều 239 (vì khoản 1 Điều 238 là “người”, nhưng khoản 4 Điều 239 lại là “cá nhân”).
Hai là: Không thống nhất trách nhiệm mà đối tượng vi phạm phải chịu (vì Điều 237 quy định 03 loại trách nhiệm là “hành chính, hình sự, dân sự” nhưng Điều 238 chỉ quy định 02 loại trách nhiệm là “kỷ luật, hình sự”, thiếu trách nhiệm dân sự. Điều 239 chỉ quy định 02 trách nhiệm là “hành chính, hình sự”, thiếu trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm dân sự), dẫn đến nguy cơ bỏ lọt vi phạm không bị xử lý; không bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng vi phạm tính nghiêm minh, khả thi của Luật.
Ba là: Không thống nhất giữa quy định tại khoản 2 Điều 237 dự thảo Luật với quy định tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật Hình sự nên có thể để sót chủ thể là “tổ chức” bị gây thiệt hại và cũng phải được bồi thường.
Bốn là: Khoản 1 Điều 238 dự thảo Luật còn sót lọt hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật” và quy định không đủ 18 nhóm hành vi vi phạm quy định về quản lý đất cùng 08 nhóm hành vi vi phạm quy định về sử dụng đất tại Điều 12 dự thảo Luật. Vì hiện nay, khoản 1 Điều 238 dự thảo Luật chỉ quy định 03 hành vi: (1) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn (điểm a khoản 1); (2) Thiếu trách nhiệm … hoặc có hành vi khác (điểm b khoản 1); (3) Vi phạm quy định (điểm c khoản 1). Do đó, nếu quy định theo hướng liệt kê hành vi vi phạm pháp luật về đất đai bị xử lý là bất cập, không hợp lý, vì có thể bỏ sót hành vi vi phạm hoặc bị trùng lặp.
Năm là: Có quy định không rõ, đó là “hoặc có hành vi khác” tại đoạn 2 điểm b khoản 1 Điều 238. “Hành vi khác” là khác hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn (tại điểm a khoản 1); hay khác hành vi Vi phạm quy định (tại điểm c khoản 1) hay chỉ khác hành vi Thiếu trách nhiệm (tại đoạn 1 điểm b khoản 1 Điều 238)? Cách quy định này không đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải ... rõ ràng, dễ hiểu. ... phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung”.
Ngoài ra, nghiên cứu 03 điều luật trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà thấy còn có nhiều cụm từ bị trùng lặp, như: cụm từ “người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai” trùng lặp 04 lần; cụm từ “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý” trùng lặp 03 lần. Để khắc phục 05 hạn chế nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà có 02 đề nghị:
Thứ nhất: Gộp 02 điều 237 và 238 thành 01 điều với tên điều là “Xử lý hành vi vi phạm” (tạm gọi là Điều 238 mới) và quy định trong 01 khoản (khoản 1) như sau: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Khoản 2 Điều này sẽ là khoản 4 Điều 239 được chuyển lên và sửa đổi, bổ sung.
Thứ hai: Tách khoản 1, 2, 3 Điều 239 và quy định thành 01 điều độc lập (Điều 237 mới) với tên điều là “Trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai”. Đồng thời, chuyển khoản 4 Điều 239 lên thành khoản 2 Điều 238 mới (và vì vậy không còn Điều 239) và quy định lại như sau: “Người có trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, nếu để xảy ra vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Điều 240 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có đề cập về “Tiếp nhận và xử lý trách nhiệm của thủ trưởng, công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và công chức địa chính cấp xã về các vi phạm trong quản lý đất đai” có hạn chế là, chỉ quy định 01 quyền (đồng thời là nghĩa vụ, trách nhiệm) của “Tổ chức, cá nhân khi phát hiện công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp, công chức địa chính xã, phường, thị trấn vi phạm trong quản lý đất đai”, đó là quyền “gửi đơn kiến nghị”.
Trong khi quy định của pháp luật hiện hành, nhất là quy định của pháp luật về tiếp công dân; khiếu nại; tố cáo; tố tụng hình sự, dân sự, hành chính; phòng, chống tham nhũng... lại trao cho tổ chức, cá nhân khi phát hiện vi phạm trong quản lý đất đai rất nhiều quyền khác như: quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tố giác, quyền phản ánh, quyền báo cáo, quyền báo tin, quyền cung cấp thông tin... Quy định tại Điều 240 dự thảo Luật đã vô tình tước bỏ và hạn chế rất nhiều quyền của tổ chức, cá nhân.
Để khắc phục hạn chế này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, sửa đổi bảo đảm không để sót quyền (đồng thời là nghĩa vụ, trách nhiệm) của tổ chức, cá nhân khi phát hiện vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76984