ĐBQH: Doanh nghiệp phải tiếp cận được vốn của ngân hàng càng nhanh càng tốt
Các đại biểu kỳ vọng gỡ được các nút thắt về giải ngân vốn đầu tư cho doanh nghiệp, tỷ lệ lãi suất cho vay… hỗ trợ doanh nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV xem xét một khối lượng công việc “khổng lồ”, nhiều nhất từ trước đến nay bao gồm xem xét thông qua, cho ý kiến 20 dự án luật, các nghị quyết nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), bởi tính tác động lớn của luật này đến cuộc sống, với hơn 12 triệu lượt ý kiến cử tri và người dân đóng góp ý kiến.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Quảng Nam cho biết, kỳ họp sẽ xem xét kỹ lưỡng để hoàn thiện thêm một bước nữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để kỳ họp sau Quốc hội có thể thông qua được.
“Quan trọng nhất là phải đảm bảo tính đồng bộ khi sửa Luật Đất đai với các luật khác. Hiện nay theo tính toán có hơn 100 luật khác có liên quan đến Luật Đất đai. Nhiệm vụ Quốc hội lần này là phải xem xét kỹ lưỡng để khi được thông qua, Luật Đất đai có thể sớm đi vào cuộc sống và không chồng chéo với các luật liên quan”, đại biểu đoàn Quảng Nam nêu ý kiến.
Các đại biểu đánh giá cao sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tập trung và có trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; từng địa phương, cơ quan, đơn vị đã rất năng động, sáng tạo và nỗ lực trong từng công việc cụ thể. Tuy nhiên cũng phải ghi nhận hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội như phát triển, xuất nhập khẩu… đều không đạt như Quốc hội đề ra.
Tại kỳ họp này, các đại biểu mong muốn sẽ gỡ được các nút thắt về giải ngân vốn đầu tư cho doanh nghiệp, tỷ lệ lãi suất cho vay… hỗ trợ doanh nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Doanh nghiệp “khát” vốn, ngân hàng ngại giải ngân
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, vấn đề giải ngân hiện nay rất khó khăn, căng thẳng dù ngân hàng nhà nước liên tục thực hiện giảm lãi suất từ đầu năm đến nay.
“Đa số các ngân hàng thương mại rất e ngại giải ngân cho các doanh nghiệp, bởi không ít doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp lớn không có khả năng đáo hạn nợ, nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Tỷ lệ giải ngân của các ngân hàng những tháng đầu năm và nửa đầu năm 2023 thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ mọi năm”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Trong bối cảnh hậu Covid-19 với diễn biến phức tạp trên thế giới, doanh nghiệp FDI hạn chế vào Việt Nam, số doanh nghiệp dừng hoạt động tăng cao hơn so với mọi năm, doanh nghiệp tiếp cận được vốn để tái đầu tư không nhiều… dẫn đến số lao động mất việc, thanh niên trong độ tuổi lao động không có việc làm tăng cao… gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cho biết, tín hiệu mới trong tháng 4, 5 cho thấy hiệu quả bước đầu công tác điều hành của chính phủ là các doanh nghiệp FDI đang trở lại Việt Nam…
“Số doanh nghiệp dừng hoạt động đang chậm lại, doanh nghiệp tái đầu tư vào các vùng trọng điểm như TP.HCM, khu vực Đông Nam bộ cũng tăng nhẹ. Tôi hy vọng những tháng cuối năm 2023 sẽ hồi phục tích cực dù GDP năm nay không thể đạt theo chỉ tiêu của Quốc hội”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết thêm.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp kỳ vọng kỳ họp này sẽ có được những quyết sách tốt tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển. Với doanh nghiệp FDI đã rời khỏi Việt Nam thì mình tạo điều kiện thuận lợi cho họ trở lại. Doanh nghiệp có tiềm lực ở trong nước thì có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.
“Cốt lõi để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển được là vốn. Phải tiếp cận được vốn của ngân hàng càng nhanh càng tốt. Doanh nghiệp có phục hồi, đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao mới giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Chứ hiện nay người lao động đang bị thất nghiệp rất nhiều”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
“Bằng mọi cách, chính phủ, các cấp ngành, địa phương phải đồng hành, tạo mọi điều kiện ưu tiên nhất cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó có giải ngân vốn vay ngân hàng, ưu đãi tín dụng, thuế. Mặc dù thu thuế rất quan trọng, nhưng thuế là nguồn thu từ tư nhân, doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không hoạt động thì không có nguồn thu nên thà ưu đãi thuế cho doanh nghiệp hoạt động. Khi họ hoạt động, chúng ta có nguồn thu, đồng thời giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động. Đó là ưu tiên số một”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Ngân hàng vẫn lãi cao khi doanh nghiệp liên tục ngừng hoạt động
Ông Trần Văn Lâm, đại biểu đoàn Bắc Giang, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội chia sẻ, từ những con số cụ thể trong những tháng đầu năm và thời gian qua cho thấy trong khi nền kinh tế chung phát triển chậm, hầu hết các chỉ số đều không đạt mục tiêu, số doanh nghiệp ngừng hoạt động gia tăng, công nhân mất việc làm cũng không ngừng thì hàng loạt ngân hàng vẫn báo lãi tốt.
“Hoạt động của nền kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp tồn tại cũng là một thách thức song sự chia sẻ của ngân hàng đối với nền kinh tế, với doanh nghiệp dù là đã có nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng, chưa xứng với mức yêu cầu về sự gắn kết. Bởi ngân hàng và doanh nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với nhau, chứ doanh nghiệp suy yếu thì ngân hàng sống với ai?”, đại biểu Trần Văn Lâm đặt vấn đề.
Một vấn đề khác được Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đặt ra là lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp rất cao.
“Chúng tôi cũng mới nghe được thông tin, chính trong giai đoạn Covid-19, ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, tuy nhiên tốc độ lãi suất huy động giảm nhanh hơn so với lãi suất cho vay. Chênh lệch lãi suất đó có giai đoạn ở mức khá cao. Điều này cho thấy kỳ vọng ngân hàng đóng góp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn là chưa hề tương xứng”, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng đánh giá Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng có những cố gắng nhất định trong việc điều hành hoạt động các ngân hàng thương mại theo đúng quy định pháp luật đặt ra, song kết quả minh chứng bằng những số liệu cụ thể cho thấy Ngân hàng Nhà nước cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hệ thống ngân hàng có được đóng góp tích cực hơn nữa vào tiến trình phát triển của đất nước, giải quyết những khó khăn nội tại cũng như hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp có điểm tựa để tăng trưởng, phát triển./.