ĐBQH Hứa Thị Hà đề xuất giải pháp thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
Ngày 27-5, Quốc hội nghe Ủy ban Tư pháp Quốc hội trình Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, thảo luận trực tuyến về nội dung này. Tham gia thảo luận trực tuyến, đại biểu Hứa Thị Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã đề xuất một số giải pháp trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Theo đại biểu Hà, Báo cáo của Chính phủ cho thấy số trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác nhau nhưbạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc chiếm tỉ lệ 4,97% dân số trẻ em, và tỉ lệ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại là 4,09%. Như vậy tổng tỉ lệ trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị xâm hại lên tới 9,06%. Đã có nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt là những vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Trong các vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý thì xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới 81,3%. Xâm hại trẻ em nói chung, đặc biệt là xâm hại tình dục không chỉ gây ra nhiều hậu quả trước mắt mà còn ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài về nhiều mặt trong suốt cuộc đời của trẻ. Về góc độ xã hội, hành vi này ảnh hưởng đến an ninh trật tự, biểu hiện sự xuống cấp của đạo đức, gây tâm lý lo sợ trong xã hội.
Từ kết quả giám sát của Quốc hội, giai đoạn từ 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019 cho thấy các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em đã xảy ra ở 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lý giải các nguyên nhân, đại biểu cho rằng, do nhận thức, hiểu biết về xâm hại trẻ em chưa đầy đủ, những hành vi xâm hại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng lại chưa được coi trọng và không bị lên án.
Đại biểu cho rằng, thực trạng xâm hại trẻ em ở những khu vực miền núi, nông thôn có thể còn nhiều và phức tạp hơn số liệu đã thống kê. Theo đại biểu, tình hình xâm hại trẻ em như hiện nay, đặc biệt ở khu vực miền núi và nông thôn cho thấy tầm quan trọng và tính cấp bách trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đại biểu đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em như: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trên diện rộng. Vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Cần nghiên cứu nên có những quy định bắt buộc như những người sắp làm cha mẹ trước khi kết hôn phải học qua những lớp đào tạo kỹ năng về gia đình, hay có những chính sách khuyến khích để những người làm cha mẹ theo học những lớp học cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, các nguy cơ bị lạm dụng tình dục, xâm hại tình dục theo từng độ tuổi của trẻ.
Cùng với đó,cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý đối với công tác phòng chống xâm hại trẻ em, quy định rõ, chi tiết dấu hiệu hoặc tình tiết cấu thành tội phạm xâm hại trẻ em cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tương thích với pháp luật quốc tế và nhất là đủ sức răn đe. Tăng cường công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội, công tác giám sát của HĐND các cấp, chủ động nắm bắt tình hình về an ninh trật tự tại cơ sở, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em, có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và quan tâm đến trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư các nguồn lực để thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nhưxây dựng các thiết chế văn hóa bảo đảm các tiêu chí xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/1/2019. Tiếp tục đầu tư nguồn lực thực hiện Đề án về“Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”. Đại biểu mong muốn Quốc hội sớm thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 mà Chính phủ đang trình Quốc hội tại kỳ họp này.