ĐBQH Khóa III Nguyễn Văn Minh: Tự hào khi là đại biểu dân cử
95 tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, nhưng cụ ông Nguyễn Văn Minh - ĐBQH Khóa III (1964-1971) vẫn còn minh mẫn, hướng dẫn chỉ đường cho chúng tôi đến địa chỉ nhà cụ tại đường Trương Quốc Dụng, khối phố 8, Thị trấn Thạch Hà. Đón chúng tôi trước cửa với nụ cười hồn hậu, giọng nói vui vẻ, hào sảng, đã gợi cho chúng tôi nghĩ về thời trẻ khi còn là 'ông nghị' hẳn là ông rất hoạt bát, năng nổ, hết mình vì dân.
Ấn tượng với những lần được gặp Bác Hồ
Cụ ông Nguyễn Văn Minh sinh năm 1928, người gốc thị trấn Thạch Hà, có 44 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Năm 1947 ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 19 tuổi; trải qua nhiều cương vị công tác, từ Trưởng Công an huyện, rồi Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Thạch Hà; Trưởng Ban Sản xuất Hợp tác hóa nông nghiệp tỉnh, đến Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh (1971 - 1986); ĐBQH Khóa III (1964 - 1971).
Trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, cụ Minh bày tỏ vinh dự được gặp Bác Hồ năm 1957 và tự hào là ĐBQH Khóa III khi mới 36 tuổi, càng ý nghĩa hơn khi hai phần ba thời gian hoạt động của Quốc hội Khóa III, kỳ họp nào cũng được trực tiếp nhìn thấy Bác trên ghế đoàn Chủ tịch… Cụ Minh nhớ lại: Hồi đó, để chuẩn bị ra Hà Nội họp Quốc hội gặp rất nhiều vất vả, từ TXCT, nắm tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân đến việc đi lại ra Hà Nội; việc chuẩn bị cho kỳ họp và các kỳ họp hầu hết diễn ra vào ban đêm. Vì đây là Quốc hội của thời kỳ đất nước thực hiện cả hai chiến lược cách mạng, thời kỳ chống Mỹ cứu nước “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để thắng giặc Mỹ xâm lược”. Miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng. Do đó, để chuẩn bị kỹ cho kỳ họp sau, ngay từ lúc ra về của kỳ họp trước, tất cả các ĐBQH đã phải lên kế hoạch kỹ từng việc để công tác chuẩn bị được chu đáo, cẩn thận nhất.
“Để ra Hà Nội dự kỳ họp Quốc hội, cả đoàn ĐBQH lúc bấy giờ phải đi theo đường 15, rồi bám đường Trường Sơn, không được đi đường Quốc lộ 1 vì đây là thời kỳ đặc biệt” – cụ Minh chia sẻ.
Trò chuyện với chúng tôi về một thời “ hoạt động” với vai là “ ông nghị”, ánh mắt của cụ luôn ánh lên niềm tự hào. Cụ Minh kể: ngày đó, ông được bầu là Phó đoàn ĐBQH của tỉnh. Trong quãng thời gian là đại biểu dân cử, kỷ niệm mà ông nhớ và ấn tượng nhất đó là Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa III. “ Bữa đó, tôi được đoàn phân công chuẩn bị bài phát biểu cho đoàn Hà Tĩnh trước Quốc hội, bài chuẩn bị đến giờ tôi vẫn nhớ cả đầu đề “Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh kiên cường chiến đấu, sản xuất nông nghiệp đảm bảo lương thực…”.
Bất ngờ nhất là, sau phiên họp buổi sáng, chúng tôi được Văn phòng Quốc hội thông báo là đầu giờ làm việc buổi chiều, Bác Hồ sẽ gặp đại biểu đoàn Nghệ An (1 người), Hà Tĩnh (2 người), Quảng Bình (2 người) và còn lại ưu tiên cho khu vực Vĩnh Linh. Tôi mừng quá khi được nằm trong số 2 đồng chí của Hà Tĩnh được gặp Bác, nhưng cũng rất lo vì phải chuẩn bị báo cáo với Bác về tình hình của tỉnh nhà. Đúng 2 giờ chiều Bác đến, tất cả đều đứng lên vỗ tay hồi lâu. Khi đến đại biểu của Hà Tĩnh, Bác hỏi đại ý “Hà Tĩnh nhiều rừng, nhiều gỗ mà sao gỗ vẫn thiếu”. Tôi đứng dậy: “Dạ, thưa Bác, đúng là Hà Tĩnh nhiều rừng, nhiều gỗ nhưng do công tác quản lý kém, khai thác và vận chuyển còn khó khăn nên người dân thiếu gỗ…”. Bác im lặng một lúc rồi ân cần hỏi tiếp “Thế từ khi nông thôn có máy xay xát thì cối xay tay có còn không”. Tôi hồi hộp trả lời “Dạ, thưa Bác, tuy có máy xay xát nhưng chỉ có một số vùng, còn người dân trung du và miền núi vẫn dùng cối xay tay”. Bác gật đầu rồi bảo “đúng rồi, lúc ni trong điều kiện chiến tranh, chúng ta phải đi bằng tay chân”. Khi thấy tôi báo cáo về tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 15%, Bác nhắc như vậy là quá thấp, phải cố gắng phấn đấu trên 25%. Chúng tôi ngồi nghe Bác dặn như nuốt lấy từng lời. Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, còn phải lo bao việc lớn cho đất nước mà những cái nhỏ nhất trong sinh hoạt đời sống của người dân Bác vẫn rất quan tâm... Những cử chỉ ân cần, lời dặn dò sâu sắc và phong thái giản dị của Bác trong cuộc gặp hôm đó còn in đậm mãi trong cuộc đời tôi. Tôi luôn tự nhủ mình cần phải làm tốt hơn công việc, nhiệm vụ được giao để xứng đáng với những lời căn dặn của Bác. Đặc biệt, sau mỗi kỳ họp mình phải cùng các đồng chí lãnh đạo biến nghị quyết các kỳ họp trở thành hiện thực, phải “làm cho Hà Tĩnh nổi bật lên” như lời Bác dặn.
Mỗi ĐBQH cần hiểu rõ trách nhiệm của mình trước đất nước và Nhân dân
Nhớ những lời Bác dạy, ông Nguyễn Văn Minh đã không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được nhận nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương kháng chiến hạng Ba chống Pháp, Huân chương kháng chiến hạng Nhất chống Mỹ, Huân chương Độc lập hạng Ba; vinh dự đó đã tiếp thêm nguồn sức mạnh cho người Đảng viên, người ĐBQH cống hiến hết mình cho sự nghiệp của Đảng, trở thành một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, con cháu học tập, noi theo.
Trước khi kết thúc câu chuyện, cũng nhân ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội ( 2.3), tôi có hỏi cụ Minh: nguyên là ĐBQH, từng là đại biểu dân cử, cụ có mong mỏi, kỳ vọng gì về người ĐBQH trong giai đoạn hiện nay, cụ Minh cười vui vẻ: với suy nghĩ của riêng tôi, đã là đại biểu dân cử, đặc biệt là ĐBQH thì vinh dự không còn gì sánh được, vì ĐBQH là đại biểu đại diện cao nhất cho quyền lợi của Nhân dân, được cử tri đặt hết kỳ vọng vào đó. Đó là niềm vinh dự, tự hào to lớn không phải ai cũng có được. Tuy nhiên, vinh dự đó có được phát huy hay không là ở bản thân của người đại biểu. Tôi nghĩ rằng, để "tròn vai", mỗi đại biểu cần hiểu rõ vị thế, giá trị, trách nhiệm và phẩm chất của người ĐBQH, vì có hiểu được những giá trị cao cả đó thì mới biết giữ gìn, biết rèn luyện, biết tu chí và biết phát huy được năng lực của mình trong công việc, để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân, mang lại những lợi ích thiết thực và quyền lợi sát sườn cho những người đã dành lá phiếu tín nhiệm bầu mình…