ĐBQH kiến nghị bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới
Chiều nay (10/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu tại tổ Hà Nội, ĐB Đào Thanh Hải (Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) nhất trí với dự thảo nghị quyết Đại hội Đảng 13 với mục tiêu xây dựng phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng an ninh, trong đó có mục tiêu trong thời gian tới phải hoàn thành xây dựng đất nước thành nước công nghiệp phát triển.
Phó Giám đốc công an TP Hà Nội đánh giá đây là nhiệm vụ nặng nề: "Vừa qua, sau một loạt vụ việc xảy ra, nhiều cán bộ đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo, diễn ra ở tất cả các cấp ngành, địa phương. Cán bộ đảng viên gần đây xác định làm tròn vai, vuông thì đứng yên một chỗ".
Ông Hải đặt vấn đề trong Nghị quyết có nêu về đổi mới sáng tạo, đột phá để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu vì hiện tại đổi mới sáng tạo và đột phá giữa đúng và sai "vô cùng mong manh". Trong khi đó, công tác cán bộ luôn được coi trọng và giải quyết mọi vấn đề, nếu như không bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai sáng tạo, dám đổi mới, đột phá.
ĐBQH nêu: "Tôi được Ban Tổ chức T.Ư mời tham gia xây dựng chỉ thị về bảo vệ cán bộ đảng viên, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chỉ thị đó sắp ra đời".
Lãnh đạo công an TP Hà Nội cho rằng trong nghị quyết Đại hội Đảng cần nhấn mạnh vấn đề bảo vệ cán bộ. Nếu không, quá trình thực hiện nghị quyết gặp rất nhiều khó khăn. “Khi cán bộ đổi mới sáng tạo, làm được thì khen, không làm được thì quy trách nhiệm rất nặng nề. Trong khi đó, sự không thành công có thể do khách quan đem lại”, ông Hải phân tích.
Quan điểm được ông nhấn mạnh là phải bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo và có những quan điểm đột phá. Vì vậy, đề nghị bổ sung việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Ngay sau phát biểu của ĐB, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị thư ký ghi rõ, nhấn mạnh nội dung có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.
Những trường hợp bị xử lý kỷ luật, khi T.Ư bàn rất nhân văn
Ở tổ Quảng Ninh, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương đoàn kết thống nhất, nhất là lãnh đạo chủ chốt.
Theo ông Thanh, những trường hợp bị xử lý kỷ luật, khi Trung ương bàn “rất nhân văn”. Hàng tháng lãnh đạo chủ chốt đều họp, những việc gì phức tạp, khó đều được đưa ra trao đổi, bàn bạc xử lý.
“Những việc bị xử lý chủ yếu là của nhiệm kỳ trước. Vừa rồi có Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý cũng là nhiệm kỳ trước”, ông Thanh nói.
Một điểm nhấn nữa trong nhiệm kỳ này, theo ông Thanh, công tác cán bộ có nhiều thay đổi, nhất là quy trình 5 bước. Việc thực hiện quy trình có thể cũng còn có vấn đề này kia, nhưng cơ bản “chạy chức”, “chạy quyền” đỡ hơn rất nhiều.
Nói về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ông Thanh cho hay, khi đi làm việc các chuyên gia cũng “rất vướng”. Vấn đề đặt ra là hàm lượng kinh tế thị trường là bao nhiêu, định hướng xã hội chủ nghĩa thế nào? Rồi thể hiện trong các ngành, lĩnh vực thế nào... đúng là cần phải nghiên cứu để đưa ra mô hình.
Cùng nói về vấn đề này, Phó Trưởng Ban Kinh tế TƯ Triệu Tài Vinh cho biết, đang chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí kinh tế thị trường. Hiện đang có 29 đề án nhánh để xây dựng bộ tiêu chí đó.
Ông Vinh cho biết, từ Đại hội VI đến nay, cứ mỗi một kỳ đều có tổng kết, nghiên cứu, đúc kết. Trong xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội XII đặt ra yêu cầu xây dựng tiêu chí rõ.
“Hiện nay chúng tôi đang cùng các ban Đảng, thành viên Hội đồng lý luận TƯ xây dựng các đề án đó. Sau Đại hội sẽ có những hội nghị chuyên đề đánh giá, còn kết quả như thế nào phụ thuộc vào các đề án nhánh”, ông Vinh thông tin.
Chấp nhận cách làm thậm chí dị biệt nhưng mang lại hiệu quả
Phát biểu tại tổ Hà Nam, ĐB Trần Thị Hiền cho rằng với bối cảnh, tiềm lực của đất nước hiện nay, để phát triển đảm bảo cả yêu cầu nhanh và bền vững, yếu tố then chốt là phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo.
"Cần phải coi đổi mới sáng tạo như là đặc trưng của giai đoạn tới, đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, chấp nhận những mô hình, cách làm đột phá, thậm chí dị biệt nhưng mang lại hiệu quả hơn", bà Hiền nhấn mạnh.
ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học công nghệ…
Nữ ĐBQH điểm lại trong dự thảo Báo cáo chính trị có tới 14 lần sử dụng cụm từ “đổi mới sáng tạo” trên nhiều phương diện khác nhau.
“Tôi cho rằng, vấn đề đổi mới sáng tạo rất cần được nêu thành một yêu cầu ngay trong đột phá thứ nhất về hoàn thiện thể chế, vì đó là yêu cầu bao trùm lên mọi lĩnh vực, mà trước hết là đổi mới sáng tạo năng lực quản trị quốc gia bằng thể chế, bằng hệ thống pháp luật cởi mở, là “bà đỡ”, là “bệ phóng” cho các ý tưởng sản xuất, kinh doanh có tính vượt trước”, ĐBQH Trần Thị Hiền nói.
Do đó, bà đề nghị bổ sung và sửa đoạn cuối tại trang 62 như sau: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng. Tạo lập khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực”.