ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Tham dự tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra tại Hà Nội từ ngày 23/5 đến 16/6/2022, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng do đồng chí Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH dẫn đầu đã tham gia kỳ họp với tinh thần trách nhiệm, đóng góp tích cực, hiệu quả cho hoạt động kỳ họp lần này. Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự tại kỳ họp lần này còn có Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, cùng các ĐBQH K' Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh, Lâm Văn Đoan, Nguyễn Văn Hiển.
Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 25/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi); đồng thời, tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật.
Tham gia góp ý tại hội trường nhà Quốc hội, ĐBQH Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ quan điểm: Về cơ bản nội dung dự thảo Luật sửa đổi lần này đã bám sát 4 chính sách lớn là: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0.
Góp ý cụ thể về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng: Việc quy định tại 3 khoản của Điều 6 sẽ hiểu là việc đào tạo nghề phát triển nguồn nhân lực điện ảnh đều chỉ do Nhà nước thực hiện. Điều này hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh hội nhập với thế giới; đặc biệt để phát triển nền công nghiệp điện ảnh cho đất nước cần phải huy động được nguồn lực ở tất cả các thành phần kinh tế để đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao và đặc biệt này. Mặt khác, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh tại khoản 3 Điều 7 của Dự thảo Luật cũng đã được xác định có nhiệm vụ đào tạo, vì vậy cần có sự thống nhất, đồng bộ giữa những điều khoản trong Dự thảo Luật….
Ngoài ra, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh còn góp ý một số nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim, trong đó nêu rõ việc sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước cũng có nghĩa là sản xuất phim theo đơn đặt hàng của Nhà nước được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 còn có những nội dung chưa thật đầy đủ, rõ ràng. Dự thảo Luật chưa quy định rõ đây là quyền của tất cả các cơ sở điện ảnh thuộc các thành phần kinh tế hay chỉ là đặc quyền của cơ sở điện ảnh của Nhà nước. Việc các cơ sở điện ảnh tham gia sản xuất phim theo đơn đặt hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo chúng tôi nghĩ không nên đặt trong quy định ràng buộc giữa quyền và nghĩa vụ của các cơ sở điện ảnh; mặt khác việc tham gia sản xuất phim theo đơn đặt hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước đã có quy định khá đầy đủ tại điều 14 của Dự thảo Luật, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu.
Trong phiên buổi sáng, ĐBQH Lâm Đồng tham gia thảo luận ở tổ về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.