ĐBQH Lê Đào An Xuân đề nghị bổ sung một số điều, khoản về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 21/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). ĐBQH tỉnh Phú Yên Lê Đào An Xuân đã tham gia phát biểu thảo luận ở hội trường. Phú Yên Online trích đăng bài thảo luận của đại biểu:
Đoàn ĐBHQ tỉnh Phú Yên do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu tham dự phiên thảo luận tại hội trường sáng 21/6. Ảnh: QUỐC LUÂN
Kính thưa Quốc hội, trước hết, tôi đánh giá cao Chính phủ và Bộ TN&MT đã rất tích cực, khẩn trương thực hiện lấy ý kiến và cập nhật sửa đổi dự thảo Luật Đất đai. Để dự thảo Luật Đất đai được hoàn thiện, tôi xin có một số góp ý như sau:
Xem xét đến vấn đề giới trong xây dựng chính sách
Về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở Điều 108, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung 1 điều khoản về xem xét đến vấn đề giới trong xây dựng các chính sách chuyển đổi nghề.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH, nhiều đại biểu băn khoăn khi lao động nữ ngoài 40 tuổi mất việc và gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm công việc mới. Việc thu hồi đất sản xuất, dẫn đến chuyển đổi nghề cũng dẫn đến trường hợp tương tự. Đồng thời, đề nghị quy định bổ sung các chính sách về an sinh xã hội đối với cá nhân có đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất mà không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 94, cụ thể là cá nhân không còn trong độ tuổi lao động hoặc mất hoặc suy giảm khả năng lao động.
Để công dân thực hiện quyền giám sát trọn vẹn hơn
Về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai tại Điều 229, cũng có điểm cần bổ sung.
Theo quy định tại điều này thì công dân tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai; quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức giám sát của công dân và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến của công dân và tổ chức đại diện cho người dân. Tuy nhiên, Điều 229 lại không quy định thời gian mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời.
Trên thực tế, không phải lúc nào ý kiến của công dân và tổ chức đại diện cho người dân cũng được giải quyết hoặc được giải quyết nhưng rất chậm trễ, gây ảnh hướng đến quyền lợi của người dân. Do đó, đề nghị cần bổ sung thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo kết quả cho tổ chức, cá nhân đã phản ánh tại Điều 229 của dự thảo để công dân có thể thực hiện quyền giám sát một cách trọn vẹn hơn.
Cần bổ sung đầy đủ về các điều khoản chuyển tiếp
Về các điều khoản chuyển tiếp, có thể nói tại các địa phương hiện nay hầu như đang lo tập trung giải quyết các vướng mắc phát sinh từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ, có những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Những vướng mắc này hoặc do các cơ quan quản lý nhà nước (chủ yếu là tại địa phương) thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ quy định pháp luật; hoặc do pháp luật thay đổi qua các thời kỳ mà không áp dụng được các điều khoản chuyển tiếp.
ĐBQH tỉnh Phú Yên Lê Đào An Xuân phát biểu tại phiên thảo luận sáng 21/6. Ảnh: QUỐC LUÂN
Một ví dụ mà chúng ta thấy rất nhiều, hầu như tỉnh nào cũng có, là các dự án đầu tư dang dở, nhất là dự án đầu tư liên quan đến sử dụng đất. Phần lớn vướng mắc từ việc thực hiện chưa đầy đủ thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất... Mặc dù đã qua thanh kiểm tra, xử lý trách nhiệm nhưng vẫn không thể tiếp tục hoàn thiện thủ tục để đi vào hoạt động, rơi vào tình trạng "tiến" không được, "lùi" cũng không xong.
Một ví dụ khác, trước đây, nhiều địa phương đã hoán đổi diện tích đất công ích của nhà nước để lấy đất được cấp theo Nghị định 64 của các hộ dân để thực hiện các dự án công cộng. Hiện nay khi diện tích đất này thuộc diện tích phải đền bù giải tỏa để tiếp tục thực hiện các công trình công cộng khác như đường giao thông… thì lại không được xác định để đền bù, mặc dù người dân đã sinh sống, sản xuất ổn định và không có tranh chấp trong thời gian dài. Lý do là các cơ quan quản lý nhà nước trước đây chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về thu hồi, bàn giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân được hoán đổi. Và trên hồ sơ, đất vẫn thuộc UBND cấp xã quản lý.
Đây là 2 ví dụ cụ thể về vướng mắc trong áp dụng Luật Đất đai và các luật có liên quan thời gian qua. Thực tiễn còn rất nhiều vướng mắc, tồn tại. Nếu Luật Đất đai lần này không tìm cách giải quyết triệt để thì những tồn tại này sẽ tiếp tục là những vật cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo ra sự lãng phí lớn tiền của xã hội, lãng phí tiềm năng phát triển, lãng phí tài nguyên, cũng như lãng phí lòng tin của người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục có cơ chế để giải quyết dứt điểm các vướng mắc này, tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, phân loại theo thẩm quyền giải quyết.
Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, địa phương cần đưa ra phương án cụ thể, các bộ ngành đồng hành hỗ trợ xem xét; không giải quyết theo bằng những văn bản “việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương”. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát lại các vướng mắc hiện nay để bổ sung đầy đủ nhất vào Chương XVI quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành.
Về việc sửa đổi các luật có liên quan, dự thảo có nêu sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tại kỳ họp thứ tư, các đại biểu có ý kiến nhiều về các văn bản pháp luật đất đai quy định quá nhiều thẩm quyền chung (thẩm quyền của UBND tỉnh), trong khi thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thì có hạn.
Thực tiễn có nhiều thủ tục hành chính khá đơn giản nhưng vẫn phải xếp hàng chờ UBND tỉnh họp thường kỳ. Do đó, tôi đề nghị bổ sung thêm trong phần sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương ở Điều 251 để cho phép lãnh đạo UBND tỉnh tham gia xử lý thủ tục hành chính, cụ thể bổ sung khoản 9 Điều 21 về ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh và khoản 7 Điều 22 về quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh.
QUỐC LUÂN (ghi)