ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP, TẠO SỰ THỐNG NHẤT TRONG TỔ CHỨC TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI
Sáng mai (7/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Chia sẻ trước thềm Hội nghị, Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cho rằng, việc tổ chức Hội nghị là vô cùng cần thiết nhằm tăng cường công tác phối hợp, tạo sự thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.
Để kịp thời triển khai, bảo đảm hiệu lực thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Theo Chương trình dự kiến, Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Phòng Thăng Long (Nhà Quốc hội), đồng thời kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương.
Phóng viên: Thưa đại biểu, theo dự kiến Chương trình, sáng mai (7/3) sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết cũng như ý nghĩa của Hội nghị lần này?
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị lần này, tôi cho rằng vô cùng cần thiết và có nhiều ý nghĩa, nhằm quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân tiến hành giám sát, theo dõi, đánh giá.
Đồng thời, thông qua Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV cũng nhằm tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phóng viên: Đây là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hôi tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết. Qua hoạt động thực tiễn tại địa phương cũng như tham gia hoạt động giám sát, theo đại biểu công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội đã có những chuyển biến như thế nào?
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Tôi cho rằng thời gian qua công tác triển khai, thi hành Luật và Nghị quyết của Quốc hội đã có những chuyển biến tích cực được Nhân dân và cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Một số Luật, Nghị quyết khi có hiệu lực thi hành có tác động tích cực đến đời sống Nhân dân và tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới đó là: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực song song với văn bản Luật, Pháp lệnh chưa được thực hiện nghiêm túc; vẫn còn tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, một số hình thức giáo dục, phổ biến pháp luật tại cơ sở chưa thực sự đa dạng và chưa đi vào chiều sâu, còn thiếu các hình thức tuyên truyền phong phú, hấp dẫn trong thời kỳ cách mạng công nghệ số, kỹ thuật số, xã hội số.
Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu cần chú trọng quan tâm tới giải pháp nào để thực sự gắn kết giữa hoạt động xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật, bảo đảm chính sách ban hành phát huy được hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống?
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Theo tôi thời gian tới để góp phần nâng cao sự gắn kết trong hoạt động xây dựng với thực thi pháp luật, đảm bảo những chính sách được ban hành phát huy hiệu quả trong thời gian tới chúng ta cần quan tâm tới những giải pháp như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tổ chức thi hành pháp luật gắn với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành pháp luật. Triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn khi có Luật và Nghị quyết đã ban hành.
Thứ ba, tăng cường, củng cố các thiết chế và điều kiện đảm bảo cho công tác tổ chức và thi hành pháp luật. Có nhiều biện pháp tuyên truyền phong phú, hấp dẫn, thực sự đi vào cuộc sống của Nhân dân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=85127