ĐBQH lo cấp xã không đủ năng lực để ký Thỏa thuận Quốc tế
Chiều 22/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về Luật Thỏa thuận Quốc tế, trong đó các đại biểu tập trung tranh luận về quy định UBND cấp xã khu vực biên giới được ký Thỏa thuận quốc tế.
Chỉ nên dừng lại ở UBND cấp huyện trở lên
Theo quy định mới được Ban soạn thảo đưa vào Dự thảo Luật Thỏa thuận Quốc tế (TTQT), UBND cấp xã khu vực biên giới được ký kết Thỏa thuận quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, ban soạn thảo cần cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND xã khu vực biên giới.
Lý do được ông Tạo giải thích rằng “UBND cấp xã hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, năng lực đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế. Quan hệ quốc tế hiện nay rất sâu rộng và có những vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi chủ thể ký kết TTQT phải có năng lực nhất định”.
Do đó, đại biểu này đề nghị, dự luật nên quy định UBND cấp huyện trở lên thì mới được ký kết TTQT do điều này phù hợp với tình hình thực tiễn hơn.
Bày tỏ lo ngại về vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, thẩm quyền, trình độ của UBND cấp xã còn nhiều hạn chế và chưa đủ để ký được các TTQT. Ngoài ra, việc ký kết các TTQT đến cấp xã sẽ kéo theo sự tốn kém về kinh phí, ngân sách.
Chỉ nên quy định ở một số lĩnh vực
Một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND cấp xã thì chỉ nên quy định ở một số lĩnh vực.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, cấp xã ở khu vực biên giới là cấp trực tiếp nhất, gắn bó nhất với địa phương nước bạn và nhu cầu về giao lưu, phối hợp, trao đổi ở các xã khu vực biên giới là rất cần thiết, là một yêu cầu từ thực tiễn.
Về ý kiến lo ngại cấp xã không đủ thẩm quyền, năng lực thực hiện, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ là các thỏa thuận đó có nội dung phù hợp với khả năng thực thi, thực hiện cam kết của địa phương đó hay không.
“Ví dụ như nội dung chỉ là giao lưu, kết nghĩa thì sẽ hoàn toàn khả thi” - đại biểu Thắng nói.
Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, đây là vấn đề đã được xem xét rất kỹ lưỡng và thận trọng. Quan hệ ngoại giao, giao lưu nhân dân với các nước là vấn đề rất quan trọng và dự thảo quy định này xuất phát từ nhu cầu thực tế của các tỉnh, nhất là các tỉnh, huyện, xã ở khu vực biên giới.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Ngoại giao, từ năm 2007 đến tháng 6/2020, có 101 văn bản hợp tác cấp xã, thôn, bản của Việt Nam được ký với đối tác tương ứng của nước ngoài.
Về ý kiến lo ngại năng lực, trình độ của UBND cấp xã, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Dự thảo Luật cũng quy định rõ các nội dung mà UBND cấp xã được ký kết thỏa thuận, trong đó chỉ gồm một số nội dung như: thỏa thuận giao lưu; kết nghĩa; trao đổi thông tin.
"Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định, trước khi UBND cấp xã ký thỏa thuận thì thỏa thuận đó phải được trình và được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ cụ thể hóa quy trình và nội dung thực hiện Luật TTQT" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật TTQT, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế, dự thảo Luật quy định việc mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND cấp huyện.
Đối với UBND cấp xã chỉ mở rộng đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới; đồng thời để bảo đảm phù hợp với năng lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, dự thảo Luật giới hạn một số nội dung UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký như: về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định về việc ký kết TTQT đối với UBND cấp huyện và UBND cấp xã ở khu vực biên giới.