ĐBQH lo ngại tình trạng 'tay không bắt giặc' tại dự án đầu tư nước sạch
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đối với việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ các dự án đầu tư, phải có thủ tục được kiểm soát, tránh tình trạng 'tay không bắt giặc'.
Đề xuất vào danh mục kinh doanh có điều kiện
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng nên đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi nước nước sạch là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp nước sạch phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong cấp nước sạch cho người dân và cũng là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đơn vị kinh doanh đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch.
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng nên rà soát một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục cho phù hợp với thực tiễn, ví dụ mục 221 kinh doanh dịch vụ khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Thiết nghĩ chỉ kinh doanh nước sạch mới thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, còn khai thác nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp thì không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, sản xuất kinh doanh nước sạch không thấy trong danh mục có điều kiện.
Đại biểu cũng nhấn mạnh: "Trước tình hình trong nước và quốc tế, chúng tôi đề nghị khi thiết lập các điều kiện cho các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chúng ta phải xem xét rất kỹ. Có những ngành, nghề chúng ta phải hạn chế chuyển nhượng ở bên ngoài Việt Nam. Có những ngành, nghề chúng ta phải hạn chế người nước ngoài sở hữu. Hạn chế có nghĩa là không cho họ đa số và mức sở hữu của người nước ngoài.
Ví dụ như vấn đề kinh doanh nước sạch, ở những đô thị lớn thì đây là vấn đề an ninh rất hệ trọng. Liệu chúng ta có nên đưa vào kinh doanh có điều kiện và một trong những điều kiện đó là không cho chuyển nhượng ra bên ngoài Việt Nam. Nhà đầu tư vào đây thì có thể chuyển nhượng qua lại".
Nêu quan điểm của mình, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Khánh Hòa) lại phân tích rằng, nước sạch là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp nước sạch phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong cấp nước sạch cho người dân và cũng là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đơn vị kinh doanh đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch.
"Điều này càng cần thiết hơn khi vừa qua nguồn nước do Viwasupco bị kẻ xấu đầu độc nguồn nước mặt, gây ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dùng nước ở nhiều quận, huyện ở Hà Nội", địa biểu Xuân Thu nhấn mạnh.
Đặc biệt, đại biểu Xuân Thu cũng lấy ví dụ cụ thể: "Nếu ai đã từng ở Hà Nội vào những năm 70-80 của thế kỷ trước sẽ thấy cảnh người dân xếp hàng rồng rắn chờ lấy nước, đi tắm nhờ, giặt nhờ ở các khu công cộng hoặc ở nhà người thân thì sẽ rất bất bình khi thấy lại cảnh này được lặp lại ở Thủ đô ở thế kỷ XXI này".
Đại biểu cũng cho rằng đây là một lĩnh vực mà Nhà nước cần quản lý chặt chẽ và phải đưa hẳn là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, không coi việc kinh doanh, khai thác tài nguyên nước là ngành, nghề có điều kiện đã là đủ. Khái niệm "tài nguyên nước" và "kinh doanh tài nguyên nước" bao gồm rất nhiều loại hình khác nhau, như nước ngầm, nước mặt, nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng…
Kiểm soát việc chuyển nhượng, tránh "tay không bắt giặc"
Nêu quan điểm của mình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ các dự án đầu tư, chúng ta phải có thủ tục được kiểm soát, tránh tình trạng "tay không bắt giặc".
"Ngay trong buổi sáng, tôi nhận được thông tin đã có 5 nhà đầu tư người Thái Lan nắm quyền kiểm soát, vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia Ban kiểm soát của Nhà máy nước sông Đuống. Chúng ta xem nhà đầu tư thực sự có phải để làm dự án kinh doanh phục vụ cho nhân dân theo đúng tư cách của nhà kinh doanh không hay chỉ để thực hiện động tác kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt rủi ro có thể đến với nhân dân hay không", đại biểu đoàn Bến Tre nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bản thân ông không phản đối việc cho tư nhân tham gia vào sản xuất và kinh doanh nước sạch và cũng không đề xuất phải cấm việc chuyển nhượng vốn.
"Chúng tôi chỉ muốn nói, nước sạch trong một số tình huống, nhất là đối với các đô thị lớn nó trở thành một vấn đề an ninh. Ở một số quốc gia khi nó là vấn đề an ninh người ta sẽ thiết kế luật để ngăn chặn những giao dịch chuyển nhượng có tác động đến an ninh quốc gia", đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.