ĐBQH: Luật Đất đai (sửa đổi) cần cân nhắc kỹ đến những nguồn lực đầu tư cho văn hóa, giáo dục
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) cần cân nhắc kỹ đến những nguồn lực đầu tư cho văn hóa, giáo dục, coi đó là sự đầu tư trực tiếp cho tương lai, không nên coi đó là những nhà đầu tư, kinh doanh thông thường, để có hướng quy định phù hợp.
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cân nhắc kỹ đến những nguồn lực đầu tư cho văn hóa, giáo dục
Tham gia ý kiến, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho biết, khoản 5, Điều 199 của dự thảo quy định nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ môi trường. Điều 209 quy định đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng chưa hoặc là chưa được xếp hạng thì đều được bảo vệ nghiêm ngặt theo các mức độ khác nhau.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn những phần đất đang được sử dụng vào mục đích văn hóa, mục đích giáo dục thì có cách nào để ưu tiên sử dụng mà tránh chuyển đổi vì mục đích lợi nhuận thuần túy hay không?
"Qua thực tế chúng tôi thấy rất nhiều đất, nhất là đất trường học, đất cơ sở văn hóa ở các khu vực trung tâm được các nhà đầu tư rất quan tâm, khi chuyển sang mục đích sử dụng khác hoặc đấu giá thì những khu đất này thu hút được sự ưu tiên của các nhà đầu tư.
Nhiều cơ sở giáo dục, kể cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi chỉ chuyển đổi vị trí sang vị trí đất khác cách vài cây số thì việc thu hút người vào học hết sức khó khăn. Bởi vì trừ những nơi như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đất chật, người đông thì rất nhiều khu vực ở huyện, thị đất đai vẫn còn rất rộng và việc chuyển các cơ sở này ra bên ngoài khá xa như vậy là không thật sự cần thiết", đại biểu nói.
Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, khi thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nếu chúng ta chuyển các cơ sở giáo dục này ra bên ngoài một cách đơn giản như vậy thì sẽ dẫn đến không có người học. Bởi vì, các em sinh viên còn có nhu cầu làm thêm, nhu cầu kết nối văn hóa và đi lại cho thuận lợi hoặc gắn bó với gia đình để bớt gánh nặng chi phí, chỉ chuyển đi khoảng 5-7km, 10km thôi cũng hết sức khó khăn cho các cơ sở này và lãng phí nguồn lực, dù giáo viên, dù cơ sở vật chất đã được chuẩn bị.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ đến những nguồn lực đầu tư cho văn hóa giáo dục, coi đó là sự đầu tư trực tiếp cho tương lai con em, không nên coi đó là những nhà đầu tư, kinh doanh thông thường, để có hướng quy định phù hợp.
Đại biểu cho rằng, Điều 157 cần sửa đổi theo hướng thiết kế thêm đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là các cơ sở giáo dục ngoài công lập, để tạo được những thành tựu cụ thể trong giáo dục về dài hạn.
Đảm tính công bằng về mặt lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất
Ghi nhận dự thảo Luật lần này thể chế hóa nhiều nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cũng cho biết còn nhiều chế định cần tiếp tục rà soát, đánh giá, xem xét điều chỉnh và bổ sung để bảo đảm tính khả thi.
Góp ý về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng mặc dù dự thảo Luật đã cố gắng xác định cụ thể danh mục các dự án mà Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng không thể liệt kê hết các dự án sẽ phát sinh trong tương lai. Vì vậy, dự thảo Luật cần thiết kế một chế định khác để xử lý trong trường hợp thực tế phát sinh loại dự án cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng không có trong danh mục dự án đã được ghi trong Luật.
Đại biểu Lê Hữu Trí cho biết thêm, khi Luật Đất đai năm 2013 chưa được quy định rõ, dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội để thu hồi đất của người sử dụng đất nhưng thực chất dự án không hoàn toàn để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng mà vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này gây bức xúc cho người sử dụng đất và làm phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phải vì lợi ích quốc gia công cộng hoặc vì mục đích quốc phòng an ninh nhưng phải bảo đảm tính thật cần thiết và không vì mục tiêu lợi nhuận.
Đại biểu Lê Hữu Trí cũng lưu ý đối với các dự án vừa có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng cũng có mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư thì cần phân định rõ trường hợp nào thì được Nhà nước thu hồi đất và trường hợp nào thì nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất. Trong trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất thì cũng cần quy định tỷ lệ diện tích đất còn lại của dự án mà nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất. Đồng thời cần có chế định điều chỉnh chênh lệch địa tô cho người sử dụng đất để bảo đảm tính công bằng về mặt lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.
Đại biểu Lê Hữu Trí cũng đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thẩm quyền, mục đích phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể của việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cũng như cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người sử dụng đất trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án xây dựng các khu đô thị, nhà ở thương mại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Nghiên cứu kỹ nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Tham gia thảo luận, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khoản 1 Điều 60 của dự thảo luật quy định, các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tổng hợp, cân đối, phân bổ nhu cầu sử dụng đất của các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.
Đại biểu cho rằng đây là quy định được nêu trong Nghị quyết 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Đại biểu cho rằng quy định nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời như các quy hoạch được quy định trong Luật Quy hoạch năm 2017 cần phải xem xét lại, bởi các quy hoạch được lập theo quy định trong Luật Quy hoạch được lập lần đầu, tích hợp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, không thể thực hiện đúng theo trình tự, nên phải lập đồng thời.
Đối với quy hoạch sử dụng đất, từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 1987 đã thực hiện tốt theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, quy hoạch cấp dưới phải căn cứ và phù hợp với quy hoạch cấp trên, hơn nữa, quy hoạch sử dụng đất mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Đại biểu đề nghị với quy hoạch sử dụng đất, nên thực hiện nguyên tắc từ quy hoạch sử dụng đất quốc gia, sau đó mới lập đến cấp tỉnh, cấp huyện.