ĐBQH LƯƠNG VĂN HÙNG: BỔ SUNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP KHÔNG NẰM TRONG KHU CÔNG NGHIỆP ĐƯỢC XÂY DỰNG NHÀ LƯU TRÚ CHO CÔNG NHÂN

Góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi quan tâm đến quy định chính sách nhà ở cho công nhân, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định đối với doanh nghiệp không nằm trong khu công nghiệp nhưng sử dụng nhiều lao động, có điều kiện, khả năng thì được xây dựng nhà lưu trú cho công nhân để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc.

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Qua nghiên cứu dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham gia đóng góp ý kiến về một số nội dung liên quan đến tính thống nhất của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật liên quan, về quy định cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở, về nhà ở chung cư, về chính sách phát triển nhà ở xã hội, chính sách nhà ở cho công nhân…

Về bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, việc đầu tư phát triển nhà ở, giao dịch về nhà ở luôn gắn với việc quản lý, sử dụng đất và quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến để quy định thống nhất, tránh chồng chéo.

Về giải thích từ ngữ, tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật giải thích: Nhà ở cũ, bao gồm cả nhà chung cư là nhà ở được đầu tư xây dựng từ trước năm 1994. Nghĩa là tại thời điểm ban hành luật là nhà quá 30 năm, vậy vài năm sau thì thời điểm tính từ năm 1994 không còn đúng. Vì vậy, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị quy định nội hàm nhà cũ theo niên hạn sử dụng, tức là nhà cũ là nhà đã qua sử dụng trên 30 năm kể từ khi được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng thì phù hợp hơn.

Liên quan đến quy định cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở, đại biểu cho biết, kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo Luật quy định: Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở nằm trong khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở; được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng vì trường hợp mua nhà ở riêng lẻ thì tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sử dụng đất như tổ chức, cá nhân trong nước. Trong khi đó, Luật Đất đai hiện hành quy định người sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài.

Về nhà ở chung cư, đại biểu Lương Văn Hùng nhận thấy, thời gian qua đã phát sinh nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ liên quan hạ tầng dùng chung, tiện ích thuộc sở hữu chung, do vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ cơ chế sử dụng phần sử hữu chung nhà chung cư bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên và đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tiện ích chung trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư. Đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế giám sát để cơ quan chức năng, chủ đầu tư, cư dân sống trong chung cư thực hiện quyền giám sát đảm bảo việc sử dụng nhà chung cư đúng mục đích, bảo vệ, hài hòa quyền lợi của các bên.

Ngoài ra, cho rằng dự thảo không quy định về thời hạn sở hữu căn hộ chung cư, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị cần phải quy định về quyền của cư dân nhà chung cư như thế nào khi chung cư hết thời hạn sử dụng được xây dựng lại, để cư dân nhà chung cư tiếp tục ổn định chỗ ở.

Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Liên quan đến chính sách phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Lương Văn Hùng nêu rõ, đây là một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm, góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Thứ nhất, về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (tại Điều 73), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung đối tượng có nhà bị sập đổ, hư hỏng do sự cố bất khả kháng như sạt lở bờ sông, bờ biển thì được hỗ trợ nhà ở để kịp thời ổn định chỗ ở, đời sống. Ví dụ sạt lở bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long, bờ biển ở miền Trung.

Thứ hai, về chính sách hỗ trợ xây nhà ở cho người nghèo tại khoản 5, Điều 74, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị bổ sung đối tượng “hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn” được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để các đối tượng này có thêm kênh tiếp cận chính sách nhà ở xã hội, chủ động, linh hoạt trong việc cải thiện, kiên cố nhà ở. Vì đời sống “hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn” rất khó khăn, nhà ở thì đơn sơ, tạm bợ, dễ bị hư hỏng, sập đổ khi thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Thứ ba, quy định quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, tại Điều 80, dự thảo Luật quy định “Khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt”. Đại biểu đề nghị xem xét quy định tỷ lệ tối thiểu đất dành để phát triển nhà ở xã hội, vì theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014 của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu.

Thứ tư, về nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở, theo dự thảo Nghị định kèm theo hồ sơ dự án Luật, thống nhất định mức hỗ trợ 40 triệu đồng đối với xây mới và 20 triệu đồng đối với sửa chữa. Tuy nhiên, dự thảo quy định nguồn hỗ trợ bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị quy định mức hỗ trợ 40 triệu đồng và 20 triệu đồng là từ ngân sách trung ương như quy định hiện hành.

Theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD, ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng, mức hỗ trợ 40 triệu cho xây mới, 20 triệu cho sửa chữa chỉ từ ngân sách trung ương, không bao gồm ngân sách địa phương. Trường hợp địa phương có khả năng cân đối thì quyết định hỗ trợ thêm để nâng cao chất lượng nhà ở. Đại biểu cho rằng, nếu quy định như dự thảo thì địa phương không có cơ chế để hỗ trợ thêm.

Đề cập về quy định chính sách nhà ở cho công nhân, đại biểu Lương Văn Hùng tán thành với chính sách phát triển nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp như tại Mục 3, Chương VI, tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định đối với doanh nghiệp không nằm trong khu công nghiệp nhưng sử dụng nhiều lao động, có điều kiện, khả năng thì được xây dựng nhà lưu trú cho công nhân để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc. Ví dụ, các tập đoàn, tổng công ty khai thác khoáng sản không nằm trong khu công nghiệp nhưng sử dụng rất nhiều lao động, rất cần nhà lưu trú cho công nhân.

Về giao dịch mua bán nhà ở (Điều 163), tại khoản 1 có quy định: Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bán thực hiện bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở gắn với nhà ở đó trong một thời hạn nhất định cho bên mua. Đại biểu Lương Văn Hùng nhận thấy, trường hợp này bản chất như là thỏa thuận cho thuê nhà ở, nếu quy định bán trong một thời hạn nhất định thì tính chất pháp lý như thế nào, quyền các bên như thế nào, pháp luật chưa quy định. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tính khả thi của quy định, nếu không thì sẽ phát sinh việc tranh chấp và việc giải quyết tranh chấp gặp nhiều khó khăn./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=77142