ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Băn khoăn về hiện tượng 'hoãn, rút' các dự án luật
Tham gia thảo luận và cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bức xúc trước tình trạng lùi và rút dự án luật. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, đây là vấn đề được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa khắc phục. Nguyên nhân của vấn đề là thiếu kỹ năng xây dựng luật, trình độ, nhận thức của đơn vị đề xuất…
Trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong năm 2019, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 nghị quyết về điều chỉnh Chương trình năm 2019.
Theo Chương trình đã được quyết định, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và Nghị quyết về Chương trình năm 2021; đồng thời cho ý kiến đối với 07 dự án luật khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình đến xem xét, thông qua tiếp tục có những cải tiến, đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như: tính dự báo của Chương trình không cao; việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung dự án vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi Chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn; việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ…
Tham gia thảo luận và làm rõ tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, đại biểu Triệu Thị Thu Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình đến xem xét, thông qua tiếp tục có những cải tiến, đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra được tăng cường. Trong tất cả các giai đoạn, quy trình, việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu được làm kỹ lượng và bài bản hơn.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương cũng chỉ rõ bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế từ nhiều năm qua, chậm được khắc phục. Đặc biệt là trong việc lập Chương trình thì tính dự báo của Chương trình không cao. Việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung dự án vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội. Tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi Chương trình do chưa chuẩn bị kịp vẫn diễn ra…
Có cùng vấn đề phản ánh, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bức xúc trước tình trạng lùi và rút dự án luật ra khỏi chương trình với lý do không kịp chuẩn bị. Bởi đây là vấn đề đã được đề cập nhiều lần khi mà đã được giao nhiệm vụ xây dựng luật nhưng khi không thể hoàn thành nhiệm vụ thì lại xin rút. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng nguyên nhân của tình trạng này cần được bổ sung trong báo cáo đó là do thiếu kĩ năng xây dựng luật, trình độ, hiểu biết, nhận thức của đơn vị đề xuất; tinh thần trách nhiệm ưu tiên dành thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.
Về các giải pháp bảo đảm cho việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đề nghị Chính phủ nên phân công một Phó Thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật. Bởi thực chất của hoạt động xây dựng pháp luật là xây dựng thể chế và muốn tăng trưởng, muốn đổi mới, muốn phát triển thì chỉ có thể chế. Cùng đó là kỷ luật lập pháp phải thể hiện trong kỷ cương lập pháp. Đó là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và coi đó là điểm để đánh dấu năng lực điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành. Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh: Xây dựng thể chế là khởi xướng chính sách, đánh giá năng lực của chính khách, nắm giữ quyền điều hành các bộ, ngành; đồng thời cũng là năng lực khởi xướng chính sách và bảo đảm xây dựng, soạn thảo chính sách.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị thành phần Ban soạn thảo phải mở rộng kiểm soát quyền lực và phản biện chính sách ngay từ trong quá trình xây dựng, soạn thảo dự thảo để hạn chế bớt những vấn đề ý kiến khác nhau, tranh luận không thống nhất trong quá trình thẩm tra và thảo luận tại Quốc hội…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, những kiến nghị, đề xuất của các vị đại biểu Quốc hội là những thông tin, những vấn đề rất quan trọng nhưng để đưa vào được chương trình thì phải bảo đảm đúng quy trình, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải có đánh giá, tổng kết thực tiễn thi hành văn bản pháp luật, đánh giá tác động và tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ghi nhận, tiếp thu những ý kiến của các đại biểu và giao cho Chính phủ, giao cho các cơ quan tổ chức hữu quan để nghiên cứu, báo cáo lại với Quốc hội.