ĐBQH NGUYỄN CAO SƠN: CẦN XÁC ĐỊNH RÕ MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ MỤC TIÊU CỤ THỂ CHO TỪNG NĂM

Tham gia phiên hảo luận toàn thể trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị cần xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng năm để từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình và giải pháp cụ thể triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Cao Sơn bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải ban hành nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. “Việc Quốc hội ban hành nghị quyết vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, đòi hỏi phải có một chương trình phục hồi kinh tế đặc biệt, với các giải pháp, chính sách kịp thời để vực dậy nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu hằng năm và 5 năm nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra, phù hợp với xu thế phục hồi phát triển kinh tế của thế giới…”, đại biểu nhấn mạnh.

Về mục tiêu của chương trình, đại biểu đề nghị cần xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng năm để từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình và giải pháp cụ thể triển khai thực hiện, đảm bảo nghị quyết được ban hành sẽ đạt hiệu quả cao, phù hợp với yêu cầu thực tế.

Liên quan đến việc xây dựng nghị quyết, đại biểu cho rằng phải đảm bảo sự đồng bộ với những chủ trương của Đảng và những nghị quyết mà Quốc hội đã ban hành, bao gồm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm; kế hoạch vay và trả nợ vay; kế hoạch tài chính quốc gia. Nội dung của dự thảo nghị quyết phải đặt trong mối tương quan với những nội dung chính sách đã ban hành để đảm bảo sự đồng bộ các chỉ số an toàn nợ công, lạm phát và bội chi ngân sách.

Đối với các nhóm giải pháp, đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích chi tiết, cụ thể hơn nữa tác động các nhóm giải pháp trong tổng thể các nội dung chương trình đã được ban hành trước đó; rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và có những giải pháp đặc biệt để giải ngân nhanh; tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính khi thực hiện các chính sách trên.

Về chính sách tiền tệ, đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách điều tiết thu nhập của các tổ chức tín dụng, chia sẻ rủi ro trong giai đoạn nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, trong khi các tổ chức tín dụng vẫn có lãi lớn, còn dư địa để giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, chính sách huy động vốn trái phiếu cũng cần có sự quản lý, điều tiết nhịp nhàng nhằm đảm bảo nguồn lực, tính công bằng khi thực hiện chính sách.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn lưu ý, khi thực hiện gói kích thích kinh tế phải đảm bảo phát huy hiệu quả, đặc biệt ở nhóm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh cần đúng đối tượng, mục tiêu, nội dung gói kích thích, hướng tới tránh phân tán nguồn lực, tránh việc dồn nguồn lực vào các kênh đầu tư không phản ánh thực chất thực tế quy luật cung cầu, quy luật giá trị; đảm bảo ổn định vĩ mô, lạm phát, an ninh tài chính, tiền tệ, nợ công, quản lý dòng tiền, tránh bong bóng bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng tín dụng, quản lý nợ xấu.

Để đẩy nhanh thủ tục thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo cho các dự án được phát huy tác dụng, kích thích tăng trưởng, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, địa biểu kiến nghị Thủ tướng tăng cường phân cấp cho các địa phương, các bộ ngành. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ có các cơ chế dành từ 20-30% các dự án đường cao tốc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thi công những hạng mục nhỏ, những công trình phụ trợ phù hợp với năng lực của doanh nghiệp, nhằm tạo cơ hội việc làm, đồng thời nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan thẩm quyền của Nhà nước thực hiện các tuyến dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua trên địa bàn, đại biểu đề nghị phân cấp cho các địa phương thực hiện dự án theo quy hoạch đường cao tốc là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhằm giảm tải nguồn lực cho Bộ Giao thông, sau khi thi công hoàn thành sẽ bàn giao lại cho Bộ Giao thông quản lý, vận hành theo đúng quy định.

Đại biểu cũng bày tỏ quan điểm đồng tình cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản, mỏ đất trong 2 năm nằm trong quy hoạch của địa phương làm vật liệu xây dựng thông thường, có quản lý chặt chẽ nhằm tránh lạm dụng chính sách để đảm bảo nguồn tài nguyên khoáng sản; Về cơ chế thí điểm cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đề nghị đối với các việc chỉ định thầu, các gói thầu xây lắp 5% phải được kiểm toán trước khi chỉ định thầu;…/.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=61767