ĐBQH NGUYỄN HẢI ANH: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ VIỆC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, THÔNG TIN ĐẢM BẢO CHỦ ĐỘNG, KHÁCH QUAN, CÔNG TÂM
Chiều 09/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung quy định về việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thật tốt công tác tuyên truyền, thông tin đảm bảo phương châm chủ động, kịp thời, khách quan, công tâm, ….
Dự thảo Nghị quyết gồm 22 điều, trong đó, so với Nghị quyết số 85/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung 15 điều và bổ sung 04 điều; có 07 phụ lục trong đó bổ sung 02 phụ lục mới với các nội dung cơ bản về: đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân;...
Đồng tình với nhiều nội dung cơ bản tại Dự thảo, đại biểu Nguyễn Hải Anh cho rằng, việc sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Hải Anh góp ý vào một số nội dung cụ thể liên quan đến: Bố cục; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm; các hành vi bị nghiêm cấm;...
Thứ nhất,về bố cục của Nghị quyết, đại biểu đề nghị chuyển Điều 9 “Thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm” lên sau “Điều 2. Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm” để đảm bảo sự tuần tự và lô-gic trong Nghị quyết.
Thứ hai, về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 2, dự thảo Nghị quyết):
Tại khoản 2: Đại biểu nhất trí với dự thảo bổ sung quy định về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ nhưng “Nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 06 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm”; tuy nhiên, đề nghị sửa cụm từ “được bổ nhiệm, bầu cử’ thành “được bầu hoặc phê chuẩn” nhằm đảm bảo phù hơp với quy định tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết.
Thứ ba, về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 6 dự thảo Nghị quyết):
Đại biểu cơ bản nhất trí với quy định tại dự thảo, tuy nhiên tại khoản 2, về “Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”, tôi xin đề nghị bổ sung cụm từ “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” vào sau cụm từ “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” bởi “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” là một chủ trương nhất quán đã được quy định trong Hiến pháp và quy định tại nhiều nghị quyết, kết luận của Trung ương, được thể chế hóa thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; vì vậy, việc bổ sung “Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” vào căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là phù hợp, đảm bảo việc đánh giá toàn diện, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Thứ tư, về các hành vi bị nghiêm cấm (quy định tại Điều 8): Đại biểu đồng tình với việc bổ sung Điều 8 so với việc chỉ quy định tại khoản 5, điều 6, Nghị quyết số 85 để đảm bảo tính nghiêm khắc, không khoan nhượng trước những hành vi cố tình làm ảnh hưởng đến kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn những hành vi vận động, lôi kéo, mua chuộc, trong đó có cả những hành vi như hứa hẹn về vị trí công việc, chức vụ cao hơn; đồng thời, đề nghị sửa cụm từ “tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân” thành cụm từ “tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”, bởi thực tế cho thấy những hành vi này thường được che đậy rất tinh vi; vì vậy cần phải quy định điều chỉnh đối với đối với những hành vi không trực tiếp tác động, nhưng lại có thể ảnh hưởng quan trọng đến đại biểu.
Thứ năm, về quy trình lấy phiếu tín nhiệm (quy định tại Điều 10 và Điều 11): Đại biểu cơ bản đồng tình với quy trình nêu trong dự thảo. Tuy nhiên, để đảm bảo tính dân chủ, công bằng và quyền của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu đề nghị:
. Bổ sung sau điểm c, khoản 8 Điều 10 quy định “người được lấy phiếu tín nhiệm giải trình về những nội dung có liên quan được nêu trong báo cáo của UBTVQH về kết quả thảo luận tại Đoàn ĐBQH”.
. Tương tự, đề nghị bổ sung sau điểm c, khoản 8, điều 11 quy định “người được lấy phiếu tín nhiệm giải trình về những nội dung có liên quan được nêu trong báo cáo của Thường trực HĐND về kết quả thảo luận tại tổ”.
Thứ sáu, về cách tính tỉ lệ phần trăm lấy phiếu tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm (quy định tại các Điều 12, Điều 13) và tỉ lệ phần trăm đối với bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 17) và Điều 19:
Những quy định tại dự thảo Nghị quyết đang theo cách tính tỉ lệ phần trăm phiếu tín nhiệm “trên tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”; đại biểu đề nghị sửa lại thành trên “tổng số đại biểu có mặt tại thời điểm lấy phiếu tin nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” hoặc trên “tổng số phiếu thu về” nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 6, và Điều 11, Quy định 96 ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Trên tinh thần đó, tại khoản 3, Điều 19: Đại biểu đề nghị thay từ “tại” thành cụm từ “có mặt” và viết lại khoản này như sau: “Tổng số đại biểu Quốc hội, tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được sử dụng làm căn cứ để tính tỷ lệ phiếu là số đại biểu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân có mặt tại thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” để đảm bảo đúng theo Quy định 96 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, đề nghị sửa quy định liên quan đến cách tính tỉ lệ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại các khoản 1, 2 điều 12; điểm d khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 13; Điều 17; và các điểm c, d, đ, khoản 1, điểm c, d, khoản 2, Điều 19.
Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn là việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa và tác động chính trị to lớn, được dư luận cả trong nước và quốc tế quan tâm. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định về việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thật tốt công tác tuyên truyền, thông tin đảm bảo phương châm chủ động, kịp thời, khách quan, công tâm, trên tinh thần xây dựng để cử tri, nhân dân, bè bạn, dư luận và truyền thông quốc tế hiểu rõ, đồng tình ủng hộ công tác này, đảm bảo sự thành công toàn diện của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76843