ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: THÀNH CÔNG CỦA 02 KỲ HỌP BẤT THƯỜNG KHẲNG ĐỊNH SỰ NỖ LỰC ĐỔI MỚI CỦA QUỐC HỘI, HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT VÌ LỢI ÍCH CỦA CỬ TRI

Tại Phiên họp thứ 20 của UBTVQH sẽ tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV. Quan tâm đến nội dung này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, thành công của 02 Kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, UBTVQH trước những vấn đề cấp bách của đất nước, quyết liệt vì lợi ích của cử tri và Nhân dân.

ĐBQH VƯƠNG QUỐC THẮNG: MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI) SẼ TIẾT KIỆM CHO XÃ HỘI NHIỀU CHI PHÍ

Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 20 của UBTVQH, ngày mai (14/02), UBTVQH sẽ tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương xung quanh nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, thành công của 02 Kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri và Nhân dân. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đưa ra một số kiến nghị để Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đi vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành nhanh chóng 03 Nghị quyết để giải quyết các vướng mắc thực tiễn phát sinh trong thực tế thuộc các lĩnh vực khác nhau, cũng như bày tỏ kỳ vọng công tác nhân sự sẽ sớm được kiện toàn môt cách hợp lý trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Thành công của 02 Kỳ họp bất thường khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội trước những vấn đề cấp bách

Phóng viên: Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày mai (14/02), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV. Đại biểu đánh giá thế nào về thành công của hai Kỳ họp bất thường này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và lần thứ 3 vừa qua của Quốc hội là những kỳ họp được chuẩn bị khẩn trương, gấp rút, diễn ra vào khoảng thời gian ngày sau khi nghỉ Tết Dương lịch và những ngày sát Tết Nguyên đán 2023. Tuy nhiên, với tinh thần làm việc tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra trong 04 ngày tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và 0,5 ngày tại Kỳ họp bất thường lần thứ 3. Quốc hội đã xem xét, thông qua 01 Luật, 03 Nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Các kết quả đạt được đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.

Thành công của 02 Kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri và Nhân dân. Đồng thời thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt, kịp thời của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, Nhân dân cả nước; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Phóng viên: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Quan điểm của đại biểu về quá trình chuẩn bị, xem xét, thông qua dự án Luật này như thế nào? Và đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để Luật đi vào thực tiễn cuộc sống?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022; ban đầu, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã không thể thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) như dự kiến. Việc thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chậm hơn dự kiến xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có các nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.

Có thể thấy, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một đạo luật vô cùng quan trọng, có nhiều tác động đến các vấn đề gắn liền với chăm sóc sức khỏe của nhân dân nên trong quá trình xây dựng đòi hỏi sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong rà soát và hoàn thiện các nội dung cần sửa đổi cũng như các nội dung mới. Đặc biệt là trong bối cảnh khi xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đất nước và nhân dân ta đã và đang trải qua cuộc chiến chống dịch Covid-19, phát sinh nhiều tình huống phức tạp, chưa được quy định trong hệ thống phát luật. Mặt khác, trong quá trình thảo luận về các nội dung của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) còn có nhiều nội dung đề xuất mới, nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, ngay trong giai đoạn xây dựng Luật, ngành Y tế - cơ quan tham mưu, chủ trì soạn thảo cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có sự thay đổi lãnh đạo chủ chốt của Bộ nên cũng ít nhiều có những tác động đến tiến trình xây dựng Luật.

Tuy nhiên, mặc dù việc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chậm hơn so với dự kiến đề ra nhưng có thể thấy, đây là sự thận trọng cần thiết trong bối cảnh Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một đạo luật có tác động vô cùng to lớn và rộng rãi đến toàn nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tình hình xã hội mới, có nhiều mô hình mới, công nghệ mới, phương thức mới nhằm phục vụ công tác y tế và bảo vệ sức khỏe toàn dân. Khi nội dung chưa “chín” thì sự cẩn trọng, rà soát kỹ lưỡng là phù hợp, là yêu cầu tất yếu để đảm bảo khi Luật được ban hành đảm bảo tính khả thi, đi vào thực tiễn đời sống nhân dân.

Để khắc phục tình trạng chậm thông qua Luật so với dự kiến, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực và khẩn trương để trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tránh tình trạng các quy định được ban hành quá chậm trễ, không đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đạt ra. Tuy nhiên, để ngay khi Luật có hiệu lực thi hành và đi vào thực tế cuộc sống, tôi cho rằng, Bộ Y tế và Chính phủ cần khẩn trương, tích cực tham mưu, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, tránh để xảy ra tình trạng khi Luật đã có hiệu lực thông qua nhưng vẫn chưa thể triển khai thực hiện vì chưa có các văn bản hướng dẫn chi tiết.

Giải quyết các vướng mắc thực tiễn phát sinh trong thực tế

Phóng viên: Cũng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã nhất trí cao thông qua 3 Nghị quyết. Quan điểm của đại biểu như thế nào về việc Quốc hội ban hành 3 Nghị quyết này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tại Kỳ họp bất thường lấn thứ 2, Quốc hội đã nhất trí cao thông qua 03 Nghị quyết bao gồm: Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài; điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022. Có thể thấy, đây đều là những nội dung quan trọng, cần thiết phải ban hành nhanh chóng để giải quyết các vướng mắc thực tiễn phát sinh trong thực tế thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm được xác định tại Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển vùng, ngành, lĩnh vực. Đây là căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch. Nội dung của Nghị quyết đã thể hiện và xác định rõ các quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực của quốc gia trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một số định hướng cụ thể như: Phát triển không gian kinh tế-xã hội; không gian biển; sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu và danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia, thứ tự ưu tiên thực hiện và giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược là cơ sở pháp lý để tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn bình thường mới và khắc phục những tồn tại, vướng mắc đối với các chính sách đã thực hiện trong giai đoạn cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, xử lý được tình trạng tồn đọng trong việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hiện nay.

Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 được ban hành nhằm xử lý những vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Kỳ vọng công tác nhân sự sẽ sớm được kiện toàn môt cách hợp lý

Phóng viên: Công tác nhân sự cũng nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Vậy đại biểu đánh giá như thế nào về công tác nhân sự tại hai Kỳ họp bất thường này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Thực tiễn cho thấy, đây là nội dung cử tri đặc biệt quan tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Công tác nhân sự là khâu đầu tiên, cũng là khâu quan trọng trong việc triển khai mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Đây là hướng giải quyết chưa từng có trong tiền lệ về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, tôi cho rằng rất đúng đắn và nhân văn, vừa đảm bảo sự nghiêm minh trong việc thực thi mọi quy định, đúng với Hiến pháp và pháp luật, vừa mềm dẻo, linh hoạt. Tôi nhận thấy, những đồng chí được Đảng, Nhà nước cho thôi làm nhiệm vụ trong thời gian gần đây đều là những cán bộ lãnh đạo được đào tạo bài bản, rèn luyện, thử thách qua nhiều cương vị, có năng lực nổi trội, đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Việc chưa có trong tiền lệ về công tác cán bộ này dần dần sẽ trở thành bình thường khi mỗi cán bộ, lãnh đạo ý thức được nhiều hơn về trọng trách của mình; về việc tự nguyện rút lui khi thấy mình không còn đáp ứng tốt mọi yêu cầu công việc.

Chúng ta đang sống ở kỷ nguyên số, bất cứ một sự dùng dằng, chần chừ, mất thời gian nào cũng là lãng phí và bỏ lỡ cơ hội để phát triển, cho nên sự dứt khoát, khẩn trương trong công tác cán bộ, theo tôi cũng là một phẩm chất cần thiết, một yêu cầu bức thiết.

Tôi kỳ vọng công tác nhân sự sẽ sớm được kiện toàn môt cách hợp lý để chúng ta có bộ máy ổn định, vững vàng, tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức, cả ở trong nước lẫn những ảnh hưởng của tình hình thế giới đang nhiều biến động. Và tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, chúng ta sẽ sớm vượt qua những khó khăn trước mắt, như chúng ta đã từng chiến thắng biết bao khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhất mọi mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=73025