ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta cần kinh phí mua 'dầu' để 'đoàn tàu' kinh tế TP. HCM chạy trở lại
Ông Nguyễn Thiện Nhân ví von, 'đoàn tàu' kinh tế TP. HCM còn nguyên 'đầu tàu và các toa tàu, đường ray…', chúng ta cần kinh phí mua 'dầu' để chạy trở lại.
Chiều 9/11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn ĐBQH TP. HCM cho biết, dịch COVID-19 khiến địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (47% số ca nhiễm, 75% số ca tử vong).
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian giãn cách xã hội, toàn thành phố chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động (0,7% tổng số doanh nghiệp của thành phố). Tức là 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm, mất thu nhập trong 4 tháng.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.
Dẫn lại dự báo trong năm 2021, TP. HCM tăng trưởng âm 5%, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu một số giải pháp cần tập trung triển khai, trong đó có tổng kết sâu sắc việc chống dịch trong 2 năm qua để thực hiện đồng bộ, hiệu quả và kiểm soát hiệu quả hơn nữa; phấn đấu đưa mức người nhiễm từ 1.000 ca/ngày xuống 500 ca/ngày.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP. HCM cần hỗ trợ cho 430.000 người đã nhiễm bệnh và gia đình của 16.600 người tử vong vì dịch bệnh, để họ phục hồi sức khỏe, tinh thần, tiếp tục mưu sinh, lao động. Đồng thời, cần hỗ trợ, thu hút trở lại 300.000 lao động phải về quê do dịch bệnh, hoặc sớm tìm nguồn bổ sung và cuối cùng là hỗ trợ doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân ví nền kinh tế TP. HCM như một "đoàn tàu", và cho rằng "đoàn tàu" kinh tế TP. HCM còn nguyên "đầu tàu và toa tàu, đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 92% nhân viên các toa tàu".
Chúng ta cần kinh phí mua "dầu" để đoàn tàu chạy trở lại. Khi tàu trở lại, bán được vé, có tiền thì sẽ có tiền trả nợ.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân
Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn TP. HCM đưa ra dự báo, tại TP.HCM, khoảng 20% doanh nghiệp có thể tự khởi động lại không cần hỗ trợ, nhưng 80% cần hỗ trợ vốn của Nhà nước để đủ vốn lưu động. Với mức bình quân khoảng 5 tỷ trên doanh nghiệp, 25 triệu trên hộ kinh doanh cá thể, tổng mức vay khoảng 440 nghìn tỷ đồng.
Đối với cả nước, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ. Hiện nay chúng ta đã chi hơn 100 nghìn tỷ, dự kiến còn hơn 100 nghìn tỷ và thiếu 100 nghìn tỷ.
"100 nghìn tỷ này có sẵn, đó là đầu tư công, chúng ta còn chưa dùng hết hơn 100 nghìn tỷ năm nay. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển hơn 100 nghìn tỷ đầu tư công không thể chi hết năm nay sang hỗ trợ doanh nghiệp và phòng chống dịch. Như vậy "đoàn tàu" kinh tế TP.HCM, Hà Nội, cả nước sẽ được tăng tốc trong thời gian sắp tới", ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lê Bảo - Hoàng Dương