ĐBQH NGUYỄN TRÚC SƠN: CHÍNH PHỦ CẦN XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ ĐẢM BẢO AN NINH NGUỒN NƯỚC, PHÒNG CHỐNG HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN CẤP QUỐC GIA

Góp ý về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, nước cho sinh hoạt và sản xuất vẫn là vấn đề nan giải khi hạn mặn kéo dài ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, do đó đề nghị Chính phủ cần xây dựng một chương trình tổng thể đảm bảo an ninh nguồn nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cấp quốc gia, đáp ứng nhu cầu cấp nước sạch cho cả nước và vùng để người dân yên tâm sinh hoạt và sản xuất.

Góp ý tại phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đánh giá bức tranh chung về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 có nhiều “điểm sáng” so với cùng kỳ năm ngoái như: tăng trưởng Quý 1 cao (5,66%), xuất khẩu tăng 15%, thu ngân sách đạt cao (tăng 10,1%), giải ngân đầu tư công khá (17,6%)… Điều này chứng tỏ sự tập trung lãnh chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và các địa phương; cộng đồng doanh nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất và nỗ lực xuất khẩu tốt trong bối cảnh thế giới vẫn còn phức tạp, thách thức, khó lường; thu hút đầu tư khá cũng là điểm nhấn trong những tháng đầu năm nay, Việt Nam luôn dành nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Gói tín dụng cho lâm, thủy sản có tác động tốt cho sản xuất nông nghiệp, giải ngân cao.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Trúc Sơn cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, về kinh tế, tăng trưởng tín dụng rất thấp, qua đó cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp không cao, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, không có nhiều hợp đồng và dự án mới để vay vốn; thị trường bất động sản phục hồi rất chậm cũng ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực kinh tế khác và khả năng thế chấp vay vốn của doanh nghiệp; chi phí vận chuyển logistic trong và ngoài nước còn cao; gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đang giải ngân rất thấp và chưa thật sự thu hút khách hàng, cũng như thị trường bất động sản. Giải ngân đầu tư công còn chậm do các nút thắt về giải phóng mặt bằng, Luật Đấu thầu chậm hướng dẫn, người dân có hướng trông chờ Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực; nhiều thủ tục vẫn còn rườm rà, mất thời gian.

Cần xây dựng Chương trình tổng thể đảm bảo an ninh nguồn nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cấp quốc gia

Thứ hai, về tình hình biến đổi khí hậu, đại biểu nhận thấy, hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra rất khắc nghiệt ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, theo chu kỳ cứ 3 năm có 1 năm hạn mặn rất khốc liệt (ví dụ như năm 2015-2016, 2019-2020 và 2023-2024). Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã quan tâm hỗ trợ đầu tư nhiều công trình thủy lợi, ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Bến Tre, nhưng vẫn chưa đủ và đồng bộ, nước cho sinh hoạt và sản xuất vẫn là vấn đề nan giải khi hạn mặn kéo dài.

Theo đại biểu Trúc Sơn, để ứng phó với hạn mặn, chúng ta cần có giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, chính quyền địa phương trong khả năng nguồn lực vốn đầu tư công của mình có thể làm những kênh nhỏ, hồ chứa nước ngọt, hệ thống thủy lợi nội đồng hoặc khuyến khích người dân trữ nước mưa, nước ngọt…Về lâu dài, cần phải có hệ thống giải pháp mang tính chiến lược, liên vùng vì việc quản lý nguồn nước, chất lượng nước, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt là vấn đề rất thiết yếu và không chỉ giới hạn ở địa giới hành chính. Do đó, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng một Chương trình tổng thể đảm bảo an ninh nguồn nước, cấp nước ngọt, nước sạch cho cả nước và vùng, với tính chất, quy mô như Chính phủ làm “cao tốc” cho thủy lợi, cùng với đó là phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cấp quốc gia. Bởi đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe của Nhân dân và chất lượng dân số trong tương lai nên cần phải hết sức lưu ý.

Xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân (Ảnh minh họa)

Xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân (Ảnh minh họa)

Thứ ba, về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ là tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, cát xây dựng cho các công trình. “Đây là vấn đề nan giải mà các nhà thầu khi trúng thầu dự án, công trình xong đều rất lo lắng. Hiện còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, thẩm quyền, cái khó của địa phương trong việc đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu cung cấp cát cho các công trình trong tỉnh và các công trình trọng điểm, vùng của Trung ương”, đại biểu băn khoăn.

Do đó, đại biểu Trúc Sơn đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, giao thẩm quyền rõ hơn cho các địa phương đối với vấn đề khai thác mỏ, sử dụng vật liệt cát cho san lắp, xây dựng công trình.

Khẩn trương ban hành đủ các Nghị định quy định chi tiết, Thông tư hướng dẫn thi hành đối với 03 Luật rất quan trọng đã được Quốc hội thông qua

Về kiến nghị các giải pháp cần tập trung từ nay đến cuối năm 2024, đại biểu kiến nghị về thể chế: Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương cần khẩn trương ban hành đủ các Nghị định quy định chi tiết, Thông tư hướng dẫn thi hành đối với 03 Luật rất quan trọng đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, làm cơ sở để HĐND cấp tỉnh ban hành các Nghị quyết, UBND cấp tỉnh ban hành các Quyết định để quy định những vấn đề được Luật giao….Nếu các Luật này được triển khai kịp thời, đồng bộ thì sẽ giúp cho các địa phương tháo gỡ khó khăn liên quan các dự án tồn, khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển; tiếp tục phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.

Về chính sách tín dụng, đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ hiệu quả các gói tín dụng có tác động tốt cho sản xuất nông nghiệp và trực tiếp xuất khẩu góp phần tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nói chung. Qua theo dõi, đại biểu nhận thấy, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gói tín dụng hỗ trợ cho lĩnh vực lâm, thủy sản triển khai hiệu quả, tác động tốt đến nông dân và giải ngân rất nhanh. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên tăng thêm vốn cho gói tín dụng này.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm

Về giải ngân đầu tư công, cần đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Đối với Dự án tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (Chương trình DPO) theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ và Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu đề nghị các bộ ngành Trung ương sớm hỗ trợ hoàn thành thủ tục phê duyệt đề xuất đầu tư, chủ trương đầu tư để tiến hành đàm phán vốn vay ODA trong năm 2024, hiện nay còn chậm so với dự kiến.

Ngoài ra, đại biểu Trúc Sơn cũng kiến nghị cần đẩy nhanh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp và các dịch vụ chăm sóc đô thị, trong đó Chính phủ có cơ chế cho địa phương đặt hàng một số dịch vụ công ích (chăm sóc cây xanh, xử lý môi trường đô thị…) để các địa phương chủ động duy trì cảnh quan và phát triển các dịch vụ ở đô thị./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=87032