ĐBQH NGUYỄN TRƯỜNG GIANG: TĂNG CƯỜNG THANH KIỂM TRA, PHÁT HIỆN XỬ LÝ NGHIÊM VI PHẠM TRONG PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
Trước một số vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở quy mô lớn được phát hiện thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, để trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường nhiều biện pháp thanh tra kiểm tra và kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.
Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định cụ thể như sau:
"Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; c) Chứng khoán phái sinh; d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định”.
Theo đó, trái phiếu là một loại chứng khoán, là đối tượng giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Theo khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Cụ thể, trái phiếu là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của công ty phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định.
Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.
Người phát hành có thể là doanh nghiệp (trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp), một tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trong trường hợp này gọi là trái phiếu kho bạc), chính quyền (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ). Người mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc chính phủ.
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 163/2018/NĐ-CP, trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.
Trong đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam (căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 163).
Về đối tượng được mua trái phiếu, Điều 8 Nghị định này cho phép cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài đều được tham gia mua trái phiếu để đầu tư. Đồng thời, khi tham gia đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư phải tự đánh giá mức độ rủi ro, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn cũng như kênh đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp và của các nhà đầu tư. Nếu như năm 2017, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 4,9% GDP thì đến năm 2021, quy mô tăng lên 16,6% GDP. Trong năm 2021, các doanh nghiệp phát hành 72.270 tỉ đồng trái phiếu, tăng 56% so với năm 2020. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tại thời điểm cuối năm 2021 khoảng 1,4 triệu tỉ đồng. Trong đó, Bất động sản là nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất, chiếm đến 44% tổng lượng phát hành năm 2021 với mức tăng trưởng 66,3% so với năm 2020.
Tuy nhiên thực tế, khi tham gia vào thị trường trái phiếu, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đưa ra lãi suất cao để đạt mục đích huy động vốn. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với sự tăng trưởng nóng và mức độ đóng góp vào GDP ngày càng lớn, nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản, không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và nền kinh tế.
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của các công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh, với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Sau đó, cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Thực tế, Quốc hội, Bộ Tài chính đã từng có cảnh báo về sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu, tuy nhiên vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua lại một lần nữa nói lên những vấn đề trong việc phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu rõ, khi doanh nghiệp tham gia vào việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đầu tiên phải tuân thủ quy định của pháp luật. Qua vụ việc của Tân Hoàng Minh, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố về tội lừa đảo. Trong thời gian tới, sẽ làm rõ hành vi có hành vi lừa đảo hay không.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, về thể chế, nếu nói rằng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật không hẳn chính xác. Một phần trách nhiệm phải thuộc về cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm bởi một trong những nguyên tắc quan trọng là mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Trường hợp vi phạm hành chính đã có Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nếu vượt qua mức độ xử lý vi phạm hành chính cần phải chuyển cơ quan điều tra và có thể xử lý hình sự. Dưới góc độ quản lý nhà nước đã chưa phát hiện kịp thời để cho vụ việc này trong một thời gian tương đối dài từ 2021 đến nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, trong thời gian tới, về mặt quản lý Nhà nước cần tập trung vào thanh tra, kiểm tra, rà soát, giám sát chặt chẽ sự phát triển nóng của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng cho biết, mặc dù, trong định hướng xây dựng chương trình luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV chưa có Luật Chứng khoán. Trong trường hợp nhận thấy có kẽ hở pháp luật liên quan đến quản lý thị trường chứng khoán nói chung và phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói riêng cần có kiến nghị sửa đổi kịp thời theo thẩm quyền như các quy định liên quan quản lý thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho đến kiểm toán độc lập, công bố thông tin của các doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư, cần sửa đổi ngay. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có tổng kết đánh giá thực tiễn, Chính phủ cần kịp thời có đề xuất, kiến nghị với Quốc hội để sửa đổi các luật có liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, những điểm mới trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế có thể sẽ làm giảm lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sẽ tăng tính công khai, minh bạch cũng như chất lượng trái phiếu phát hành. Để hạn chế rủi ro với thị trường trái phiếu, cần xử lí nghiêm những hành vi cố tình không minh bạch để lừa đảo nhà đầu tư, yêu cầu chặt chẽ về xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng sẽ là một bộ lọc giúp nhà đầu tư hạn chế được rủi ro khi tham gia thị trường này.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=63497