ĐBQH NGUYỄN VĂN AN: KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ VIỆC KHAI THÁC MỎ KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được thí điểm chính sách đặc thù, đề nghị xem xét bổ sung nội dung quy định 'Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công dự án chỉ được sử dụng sản phẩm khai thác từ các mỏ khoáng sản này phục vụ cho xây dựng dự án' và trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của UBND các tỉnh, thành phố có dự án.
Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đến nay đã đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, hiện đại, như các tuyến cao tốc: Bắc Giang-Lạng Sơn, Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Móng Cái, La Sơn-Túy Loan, TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, các cầu lớn như Tân Vũ-Lạch Huyện, Bạch Đằng, Nhật Tân, Cao Lãnh, Vàm Cống... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã bộc lộ, phát sinh một số quy định cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ, là một trong những lĩnh vực hạ tầng quan trọng quốc gia.
Do đó, Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội gồm 10 Điều với nội dung chính gồm 5 nhóm chính sách. Cụ thể, về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, Chính phủ đề xuất nguyên tắc xây dựng danh mục thí điểm: Có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án; trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương phải có cam kết bố trí vốn của HĐND cấp tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự án được áp dụng chính sách thí điểm. Có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể. Các dự án đề xuất phải thuộc một trong các nhóm chính sách đang đề xuất thí điểm của Nghị quyết này.
Tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, Chính phủ đề xuất các chính sách thí điểm đặc thù nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị rà soát, bổ sung một số nội dung cụ thể như sau:
Làm rõ lý do đề xuất 16 dự án trong danh mục
Một là, Nội dung Điều 7 dự thảo Nghị quyết kế thừa nội dung đã được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên chính sách này chỉ quy định trong 02 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát VLXD phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình. Đến nay đã gần hết thời gian (02 năm) cho phép thực hiện cơ chế này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo có đánh giá tình hình các dự án, các nhà thầu thi công dự án thực hiện thí điểm chính sách này, những khó khăn vướng mắc, bất cập phát sinh liên quan đến khai thác các mỏ cát, đất san lấp phục vụ các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trong thời gian qua. Đồng thời cần giải trình làm rõ lý do đề xuất 16 dự án trong danh mục (phụ lục 4 dự thảo Nghị quyết) được đề nghị thí điểm chính sách đặc thù khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường. Trong đó có dự án thời gian dự kiến kéo dài đến 05 năm, thậm chí 06 năm (cụ thể như Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, thời gian 2023-2028; hoặc như dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (giai đoạn 1), thời gian khởi công từ 2020, dự kiến hoàn thành năm 2025).
Hai là, tại Thông báo số 2886/TB-TTKQH ngày 17/10/2023 về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết này đã nêu rõ “Thời gian qua các dự án được áp dụng chính sách đặc thù này vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu nguyên vật liệu, do đó đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá sơ kết việc thực hiện thí điểm chính sách, trường hợp cần điều chỉnh đề nghị báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”. Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến này chưa cụ thể, còn rất chung chung. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung thông tin cụ thể hơn về tình hình kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chính sách đặc thù theo khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15, để các vị đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét quyết định chính sách này.
Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
Ba là, để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được thí điểm chính sách đặc thù nói trên, đề nghị tại khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị quyết cần xem xét bổ sung nội dung quy định “Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công dự án chỉ được sử dụng sản phẩm khai thác từ các mỏ khoáng sản này phục vụ cho xây dựng dự án” và trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của UBND các tỉnh, thành phố có dự án.
Bốn là, để chính sách đặc thù sớm được triển khai trên thực tế tại các địa phương có dự án. Đề nghị cần xem xét bổ sung quy định trong dự thảo Nghị quyết về việc giao Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về Hồ sơ đăng ký; Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký, xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được thí điểm.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn An cũng đề nghị rà soát, xem xét thời gian tổng kết thực hiện Nghị quyết tại khoản 1 Điều 9 của dự thảo Nghị quyết (năm 2026) cho phù hợp với thời gian dự kiến khởi công - hoàn thành các dự án được thí điểm chính sách đặc thù. Bởi vì, có tới 14/16 dự án thời gian dự kiến hoàn thành sau năm 2025; một số dự án năm 2028, 2029 mới hoàn thàn.../.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81574