ĐBQH nhắc đến vụ ly hôn đại gia cafe Trung Nguyên
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ủng hộ việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để 'giảm tải' cho ngành tòa án, song còn nhiều ý kiến về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên.
"Giảm tải" cho Tòa án
Sáng 26-11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đa số ý kiến đại biểu đồng tình với sự cấp thiết của việc ban hành luật này, theo đó cung cấp thêm cơ hội cho các bên liên quan giải quyết mâu thuẫn, mặt khác "giảm tải" cho ngành tòa án.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đoàn Bắc Kạn cho biết việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp với cách làm của thế giới. Theo đại biểu, khác với xét xử tại tòa, vốn tuân thủ nghiêm ngặt hiến định và công khai thì hòa giải là môi trường riêng, chỉ có các bên liên quan. "Các bên có thể yên tâm giải quyết bất đồng, thường khó đạt được tại các phiên tòa công khai như những vụ ly hôn hay tranh chấp tài chính", đại biểu nói.
Bà Thủy lấy ví dụ về vụ ly hôn đình đám mới đây của vợ chồng "Vua cà phê Việt" ông Đặng Lê Nguyên Vũ khi mà từng chi tiết của vụ án này được giới truyền thông theo dõi, đưa tin chi tiết. "Đây là điều không ai mong muốn", bà Thủy nhận định.
Cũng theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc áp dụng cơ chế hòa giải cũng sẽ giúp tiết kiệm nguồn ngân sách. Cụ thể, để tiến hành một phiên tòa sơ thẩm thì cần tối thiểu 5 cán bộ tư pháp. Tuy nhiên, khi có bản án thì việc thi hành không đơn giản. Hiện có 96.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành bởi các bản án nhưng chưa được thi hành. Có bản án 10 năm chưa thi hành xong. Cá biệt, có vụ phải huy động 199 cán bộ tới cưỡng chế.
Trong khi đó, thông qua hòa giải, theo kết quả thí điểm tại 16 tỉnh cho thấy tỷ lệ thành công lên đến hơn 78%. Tức 100 vụ thì 78 vụ hòa giải thành công, chỉ 22 vụ phải đưa ra tòa xét xử. Ngoài ra, về chi phí, chỉ riêng phiên tòa sơ thẩm sẽ tốn ngân sách 5,5 triệu đồng, trong khi hòa giải chỉ tốn hơn 2 triệu. Số tiền tiết kiệm cho ngân sách là rất lớn.
"Công lý không phải là ai thắng ai thua", bà Thủy nói và nhấn mạnh Nhà nước cần thiết kế ra những thiết chế để người dân có thể giải quyết mâu thuẫn.
Đồng tình quan điểm của bà Thủy, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đoàn An Giang nhận định việc hòa giải thành công giúp người ta "hiền hậu hơn, bao dung hơn". Ông Bộ cho rằng, ngoài quản lý xã hội bằng pháp luật thì còn đạo đức, phong tục tập quán. Giải quyết bằng hòa giải chính là tổng hòa của đạo đức, phong tục và pháp luật, hướng đến tự nguyện chấp hành.
Trên cơ sở đó, đại biểu đoàn An Giang đề nghị tập trung xử lý về kỹ thuật lập pháp để đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự. Đảm bảo tính hợp lý với các luật liên quan, nhất là Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.
Hòa giải viên được lựa chọn thế nào?
Trong dự thảo luật do Chính phủ trình, người chủ trì đối thoại, hòa giải tại tòa án là Hòa giải viên, được xác định là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm để tiến hành hòa giải tranh chấp dân sự, vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính. Hòa giải viên không thuộc biên chế của Tòa án.
Về tiêu chuẩn trở thành hòa giải viên, Chính phủ đề nghị bổ nhiệm những thành phần như sau nếu đạt đủ tiêu chuẩn: Thẩm phán, Kiểm sát viên, những người giữ chức danh tư pháp khác đã nghỉ hưu; Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; Những người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, có ảnh hưởng và được tín nhiệm cao.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hằng đoàn Bắc Ninh cho rằng quy định 10 năm kinh nghiệm đối với chuyên gia, luật sư là chưa phù hợp mà phải xem họ có năng khiếu, uy tín để hòa giải hay không. Về nội dung cấp chứng chỉ cho hòa giải viên, đại biểu đề nghị Tòa án Tối cao làm rõ xem liệu đã có chương trình đào tạo để cấp chứng chỉ hay chưa.
Trước đó, Đại biểu Tô Văn Tám đoàn Kon Tum cũng nêu quan điểm các tiêu chuẩn nói trên còn chưa rõ ràng. Ông Tám đề nghị không nên đặt vấn đề bổ nhiệm các hòa giải viên mà khuyến khích thành lập trung tâm hòa giải. Đối với một số vụ việc, nếu các đương sự đến tòa mà chưa hòa giải thì chỉ định hòa giải, nếu không thành công mới xét xử.
Phát biểu đóng góp, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đoàn Hà Nội, Chánh án TAND thành phố Hà Nội, nhấn mạnh, hòa giải viên cần là những người tâm huyết, có năng lực, chuyên môn, có bề dày kinh nghiệm, am tường pháp luật và có uy tín. Bởi, chỉ khi đó thì đương sự mới có thể cùng ngồi lại chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, hàn gắn tình cảm, giải quyết mâu thuẫn.
Trên cơ sở đó, ông Chính ủng hộ việc ban hành các tiêu chuẩn chặt chẽ đối với người có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên như trong dự thảo luật mà Chính phủ nêu. Theo ông Chính, việc thu hẹp đối tượng hòa giải viên cũng phù hợp với chủ trương xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, giúp người làm công tác hòa giải được hưởng thù lao cao.