ĐBQH: Nhiều con đường đáng ra thẳng lại phải cong queo uốn lượn

Đại biểu Lê Tấn Tới dẫn chứng thực tế một số địa phương làm các dự án giao thông, đoạn nào khó giải phóng mặt bằng là lại 'tránh, né' đoạn đó.

Đẩy nhanh phân tuyến cắm mốc, tính toán giá đền bù

Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội sáng 6/6, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về hai dự án.

Trong đó, dự án vành đai 4 có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7km).

Từ những số liệu này, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, việc phân chia thành 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

“Giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, chúng ta tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ gồm cả 9,7km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý.

Dự án vành đai 4 – vùng Thủ đô có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha, trong đó thành phố Hà Nội 741 ha và cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường”, ông Dũng cho biết.

Đối với cơ chế, chính sách chung của các dự án, trong đó có đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022 – 2023)...;

Cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án....

Trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế nhận thấy hai cơ chế này đã được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ áp dụng cho các gói dự án thuộc phạm vi Chương trình trong 2 năm (2022 - 2023). Do đó, đề nghị chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023 là không phù hợp về thời gian, vì chúng ta đã qua 6 tháng đầu năm 2022 rồi Quốc hội mới thảo luận để thông qua.

“Việc áp dụng Nghị quyết 43 vào dự án vành đai 4 – vùng Thủ đô là không phù hợp. Hiện nay, thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh việc phân tuyến cắm mốc, tính toán giá đền bù giải phóng mặt bằng để ngay sau khi Quốc hội thông qua là tiến hành triển khai.

Việc triển khai thực hiện dự án vành đai 4 không chỉ giúp kết nối hạ tầng giao thông trong vùng Thủ đô mà còn góp phần giải quyết những bất cập về giao thông, bảo vệ các di sản văn hóa, giải quyết cả những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài mà Thủ đô gặp phải”, ông Dũng nhấn mạnh.

Lo ngại dự án đội vốn

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) lại băn khoăn về vấn đề giải phóng mặt bằng của các dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 Tp.HCM, bởi diện tích mặt bằng cần giải phóng của 2 dự án này tương đối lớn.

“Nhìn lại dự án sân bay Long Thành, khi gặp phải khu vực dân cư đông đúc, việc giải phóng rất khó khăn, kéo dài nhiều năm. Với các dự án đường vành đai 3, vành đai 4 lại thuộc 2 thành phố lớn, chỉ khi giải phóng mặt bằng thuận lợi, dự án mới có thể triển khai.

Các địa phương, Bộ ngành cần tập trung, có cơ chế thống nhất để giải quyết vấn đề mặt bằng, nếu cách làm không đổi mới, rất khó để đảm bảo tiến độ. Tiền bao nhiêu là một chuyện nhưng giải phóng được mặt bằng hay không lại là vấn đề khác.

Trong các dự án này, cần xem giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ số 1, nếu chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng có thể khiến dự án đội vốn lên rất cao”, đại biểu Hoàng Đức Thắng lo ngại.

Theo các ĐBQH cần xem giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ số 1.

Theo các ĐBQH cần xem giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ số 1.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Quảng Trị cũng kỳ vọng với các dự án lớn như đường vành đai 3, đường vành đai 4 ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước sẽ thu hút cả đầu tư công tư PPP, nhưng hiện nay vẫn chưa thể thực hiện theo phương thức đầu tư này.

“Đây là dự án lớn, yêu cầu nguồn vốn rất cao, tại sao lại không lựa chọn đầu tư công tư, phải chăng chúng ta đang có tâm lý dễ bỏ, khó làm. Trước đây, một số dự án ban đầu cũng giao đầu tư PPP nhưng khi triển khai gặp khó lại bỏ. Đây là câu chuyện Chính phủ cần phân tích một cách thấu đáo’, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Tấn Tới (đoàn Long An) đề xuất cần nghiên cứu kỹ địa hình, thổ nhưỡng của các dự án giao thông trước khi triển khai, từ đó bố trí nguồn vốn phù hợp, tránh tình trạng khi vào triển khai lại bị đội vốn.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu Tới dẫn chứng thực tế một số địa phương làm các dự án giao thông, đoạn nào khó giải phóng mặt bằng lại “tránh, né” đoạn đó, khiến nhiều con đường đáng ra thẳng lại phải cong queo uốn lượn. Với dự án lớn như đường vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 của Tp.HCM cần có sự đầu tư xứng tầm cho một dự án mang tầm quốc gia.

Hoàng Bích - Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dbqh-nhieu-con-duong-dang-ra-thang-lai-phai-cong-queo-uon-luon-a555527.html