ĐBQH, PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: CẦN THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG AN TOÀN TRONG MÙA DỊCH

Giỗ Tổ Hùng Vương được xem là Ngày hội truyền thống của người Việt. Nhưng trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ quyết định không tổ chức các hoạt động tập trung quá đông người trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2022, mà chỉ tổ chức với quy mô cấp tỉnh. PGS.TS Bùi Hoài Sơn- đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, quyết định này là phù hợp nhằm đảm bảo người dân thực hành tín ngưỡng an toàn trong mùa dịch.

Hình ảnh Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương những năm về trước

Hình ảnh Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương những năm về trước

Phóng viên: Theo đại biểu, lễ hội truyền thống nói chung và Lễ giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa người Việt Nam?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Đại biểu Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Lễ hội là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể, được hình thành trên cơ sở một nghi lễ, tín ngưỡng nào đó. Các lễ hội truyền thống là sinh hoạt văn hóa tiến hành theo định kỳ, mang tính cộng đồng (thường là cộng đồng làng). Trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, lễ hội là một thí dụ sinh động nhất của di sản văn hóa, vừa là một hình thức diễn xướng dân gian bao gồm nhiều hình thức diễn xướng nhỏ, kết hợp hữu cơ với nhau tạo thành tổng thể diễn xướng lễ hội, vừa là một hình thức diễn xướng tâm linh, không còn là thế giới hiện thực mà đã vươn lên thế giới biểu tượng linh thiêng. Nó tái hiện lại lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội trong một “thời điểm mạnh”, thời điểm có giá trị đặc biệt, thời điểm thiêng, khác với thời gian thường ngày, đồng thời đạt tới hiệu quả xã hội nhiều mặt, nó tạo nên và biểu trưng cho sức mạnh cố kết cộng đồng, nó là niềm cộng cảm và cộng mệnh của cộng đồng thỏa mãn ước vọng vươn tới sự hòa đồng giữa con người với thiên nhiên, với cội nguồn.

Chính vì tầm quan trọng như vậy nên lễ hội được tổ chức như một sự thể hiện lòng tri ân của nhân dân với truyền thống chung của dân tộc, ôn lại lịch sử và ghi nhận công ơn của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc qua các giai đoạn lịch sử; có giá trị giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Lễ hội còn mang truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, phản ánh những nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, tôn giáo, tính nhân văn mà mỗi dân tộc, vùng miền vốn có. Đến với lễ hội, mọi người được giải tỏa tinh thần, đồng thời được nhắc nhở cần phải sống có ý thức văn hóa, có trách nhiệm với địa phương và đất nước, đồng thời đóng góp công sức xây dựng, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, nơi thờ tự,... Do vậy, lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng đạo đức lối sống cho mỗi người.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương lại càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa người Việt Nam. Chúng ta thường quen thuộc với câu: “Dù ai đi ngược về xuôi; Nhớ ngày Giỗ Tổ mừng 10 tháng 3”. Đây như một lời nhắc nhở mọi người dân Việt Nam về một đạo lý uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ở đó, mỗi gia đình đều có tổ tiên, cội rễ thì dân tộc cũng có một tổ tiên chung. Chính việc xác định nguồn gốc tổ tiên chung giúp hình thành ý thức về quốc gia, dân tộc, hình thành nên lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết. Không phải ngẫu nhiên khi năm 1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô, ở ngay chính tại Đền Hùng, Bác Hồ đã nói một câu nói truyền cảm hứng cho lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”. Vì thế Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành kết tinh những giá trị cao đẹp nhất của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết. Đó thực sự là sức mạnh Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử và có giá trị đến tận ngày hôm nay.

Phóng viên: Do dịch COVID-19 diễn biến phúc tạp, tỉnh Phú Thọ quyết định không tổ chức các hoạt động tập trung quá đông người trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022, mà chỉ tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Đại biểu đánh giá như thế nào về quyết định này; nó có ảnh hưởng đến việc thụ hưởng nhu cầu văn hóa của người dân hay không?

Đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, PGS. TS Bùi Hoài Sơn

Đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, PGS. TS Bùi Hoài Sơn

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Đại biểu Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Tôi cho rằng, việc tỉnh Phú Thọ quyết định tổ chức lễ hội Đền Hùng ở quy mô nhỏ, hạn chế tập trung đông người, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay để đảm bảo người dân thực hành tín ngưỡng an toàn trong mùa dịch. Dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt là việc tiêm phủ vaccine đã giúp chúng ta có thêm nhiều niềm tin trong việc chống dịch, nhưng dịch bệnh vẫn là nỗi lo rất lớn của mỗi địa phương như Phú Thọ và cả nước. Chính vì thế, chúng ta không thể lơ là trong việc chống dịch đặc biệt nguy hiểm này.

Việc hạn chế này chắc chắn ảnh hưởng đến nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, hưởng thụ văn hóa của người dân. Ở đây, chúng ta cần nhận thức rằng, như chúng ta phân tích ở trên, đến với lễ hội Đền Hùng, bên cạnh việc củng cố cho mỗi người tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết còn giúp cho chúng ta có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, giúp mỗi người an tâm hơn để đương đầu với những khó khăn có thể xuất hiện trong cuộc sống, từ đó tạo động lực tinh thần cho mỗi người. Tuy nhiên, thực hành nghi lễ nói chung, đến với lễ hội Đền Hùng nói riêng, vẫn phải quan tâm đến an toàn sức khỏe của chính mình và người khác. Khi chúng ta sống vì người khác, cho người khác, tinh thần chúng ta sẽ hướng thiện nhiều hơn, thoải mái hơn, và đó chính là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất mà chúng ta làm được cho mọi người. Khi dịch bệnh qua đi, chúng ta hoàn toàn có thể toàn tâm, toàn ý hướng đến cội nguồn bằng việc đến với lễ hội Đền Hùng ở những năm tiếp theo.

Phóng viên: Theo đại biểu, việc tổ chức các lễ hội với quy mô nhỏ, để hạn chế tập trung đông người ngoài mục đích phòng chống dịch bệnh thì còn mang lại những ý nghĩa tích cực nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Đại biểu Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Việc tổ chức lễ hội không chỉ là cách chúng ta thực hiện nghi lễ truyền thống mà còn là cách chúng ta tái tạo ý nghĩa và trao truyền cho các thế hệ tiếp sau các giá trị truyền thống trong một thời điểm đặc biệt là Giỗ tổ Hùng Vương. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải thực hành các nghi lễ, thực hiện các thói quen mà bất chấp những mối đe dọa đến sức khỏe của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Dịch bệnh COVID-19 thực sự tạo ra một khủng hoảng đối với toàn nhân loại, mà hầu như tất cả các quốc gia đã đều đặt mình trong tình trạng thời chiến. Biến thể Omicron và có thể còn nhiều biến thể khác vẫn đang đe dọa an toàn sức khỏe của mọi người. Giữ gìn an toàn cho cá nhân, cho cộng đồng từ đó trở thành một ưu tiên số một, một hành động mang tính đạo đức của mỗi cá nhân. Đó là lý do tại sao, chúng ta nên cân nhắc và hạn chế tối đa những hành động ảnh hưởng đến sức khỏe bản nhân và cộng đồng, kể cả đó là tham gia lễ hội. Chúng ta cần phải hiểu việc hạn chế này là vì giữ an toàn cho cộng đồng như là một sự thể hiện trách nhiệm đối với đất nước. Cuộc sống rồi sẽ sớm trở lại bình thường bằng nỗ lực của mỗi chúng ta, và khi đó, chúng ta sẽ có điều kiện, chúng ta sẽ lại có điều kiện tốt hơn để thực hành nghi lễ truyền thống, chia sẻ niềm vui trong những dịp lễ hội, mỗi dịp Giỗ tổ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=63642