ĐBQH Phạm Thị Xuân đề nghị tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 8-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, ĐBQH Phạm Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Thư ký Tòa án Nhân dân huyện Quan Hóa bày tỏ tán thành với nhiều nội dung của các báo cáo; đồng thời đánh giá cao ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, đại biểu Phạm Thị Xuân cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhiều vụ án lớn, phức tạp về kinh tế, tham nhũng được phát hiện, giải quyết kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu Phạm Thị Xuân cho rằng, công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật vẫn còn một số loại tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp, có tác động ảnh hưởng lớn đến xã hội như tội phạm trong lĩnh vực thông tin viễn thông, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, tình trạng phát tán tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt…
Do đó, đại biểu Phạm Thị Xuân đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm nêu trên; đồng thời tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng và có các giải pháp kịp thời để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, tiếp tục có các giải pháp quyết liệt, toàn diện hơn nữa, nhanh chóng xử lý nghiêm và dứt điểm các vụ việc; đấu tranh hạn chế đến mức thấp nhất đối với tội phạm cưỡng dâm, dâm ô trẻ em. Đồng thời đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em cả về nội dung và hình thức, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền.