ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: XÂY DỰNG LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH LÀ CẦN THIẾT NHƯNG PHẢI ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KỸ LƯỠNG

Vừa qua, tại Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao sáng kiến lập pháp của ĐBQH Nguyễn Anh Trí đồng thời đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện.

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thực hiện quyền kiến nghị luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; căn cứ Hiến pháp năm 2013, Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015, Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, trên cơ sở tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến chuyển đổi giới tính, ĐBQH Nguyễn Anh Trí lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhất trí với sự cần thiết đồng thời đánh giá cao sáng kiến lập pháp của ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, đây là vấn đề khó, có tác động lớn đến nhiều khía cạnh xã hội do đó cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện... nhằm đảm bảo các chính sách, quy định sau khi ban hành có tính khả thi cao.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết của dự án luật trong bối cảnh hiện nay?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đây là sáng kiến lập pháp của ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội. Có thẩy nói, ĐBQH Nguyễn Anh Trí rất tích cực, tâm huyết, với tinh thần và trách nhiệm cao, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính.

Việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật này là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Bởi vì, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã xác định nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng pháp luật về chuyển đổi giới tính để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022-2024.

Đồng thời, việc xây dựng và ban hành dự luật cũng đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của một nhóm đối tượng trong xã hội về thực hiện chuyển đổi giới tính để được công nhận và sống với đúng giới của mình.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu, nếu được Quốc hội đồng thuận đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì cần phân tích, làm rõ nội dung gì để đảm bảo dự luật mang tính khả thi cao?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Việc ĐBQH Nguyễn Anh Trí thực hiện sáng kiến lập pháp là phù hợp với quy định tại Điều 33 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây cũng là sáng kiến pháp luật hiếm hoi do một đại biểu Quốc hội đề xuất thực hiện. Do đó, rất cần được trân trọng, ủng hộ và khuyến khích cũng như tạo nguồn lực hỗ trợ ĐBQH trong quá trình triển khai thực hiện.

Liên quan đến các chính sách được đề xuất tại dự luật, bao gồm: điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; Thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực; Thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính. Có thể thấy, nhóm các chính sách này đã có sự kế thừa, sắp xếp một cách hợp lý trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu, đề xuất của Bộ Y tế và bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh cũng như tên gọi của Luật Chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, vẫn cần thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính; đồng thời, cần nghiên cứu về một số quyền, nghĩa vụ mang tính đặc thù của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.

Ngoài ra, đây là vấn đề mới, do đó cần có đánh giá tác động hết sức kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc biệt là phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam, dự phòng những vấn đề phát sinh khi áp dụng,...

Phóng viên: Vậy quan điểm của đại biểu về thời điểm trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Chuyển đổi giới tính như thế nào?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Do phạm vi điều chỉnh đã thu hẹp lại chỉ chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ nên ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, có tác động lớn đến nhiều khía cạnh xã hội. Do đó, cần có thời gian phù hợp để nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội, các quy định phải có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn,... Đồng thời, quá trình soạn thảo Luật cần có sự hỗ trợ, phối hợp tham gia chặt chẽ của các bộ, cơ quan có liên quan, tham vấn đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động.

Vì vậy, nên cân nhắc trình Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 nhưng điều chỉnh thời gian trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=75809