ĐBQH PHÚC BÌNH NIÊ KĐĂM: QUY ĐỊNH CẤP GIẤY PHÉP SỬ DỤNG ĐỐI VỚI CÔNG CỤ HỖ TRỢ GIÚP GIẢM THỦ TỤC, THỜI GIAN, CHI PHÍ KHÔNG CẦN THIẾT

Sáng 3/6, cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc không quy định thời hạn giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và chuyển từ cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng đối với công cụ hỗ trợ là phù hợp giúp giảm thủ tục, thời gian và chi phí không cần thiết.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Qua nghiên cứu dự thảo dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị rất công phu; đồng thời đóng góp một số nội dung góp phần hoàn thiện dự thảo luật liên quan đến giải thích; thời hạn giấy phép sử dụng vũ khí; bổ sung danh mục nhóm vũ khí quân dụng...

Giảm thủ tục, thời gian và chi phí không cần thiết.

Về giải thích từ ngữ, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm nhất trí cao với việc bổ sung, đưa linh kiện vũ khí vào nhóm vũ khí quân dụng, bởi qua tổng kết 05 năm thi hành Luật các lực lượng chức năng đã phát hiện 743 vụ, bắt giữ 745 đối tượng, thu 601.468 linh kiện vũ khí nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Hơn nữa, thực tế hiện nay các đối tượng đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật đã tháo rời súng thành các bộ phận để mua bán, vận chuyển trái phép, hành vi này đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, tham khảo luật của một số nước trên thế giới (Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Belarus, Australia…) đều quy định linh kiện lắp ráp vũ khí là vũ khí. Vì vậy, việc bổ sung quy định linh kiện vũ khí trong dự thảo Luật là phù hợp.

Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Cho ý kiến về việc không quy định thời hạn giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; chuyển từ cấp giấy xác nhận đăng ký sang giấy phép sử dụng đối với công cụ hỗ trợ, đại biểu cho rằng, việc không quy định thời hạn giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và chuyển từ cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng đối với công cụ hỗ trợ là phù hợp. Đại biểu cho biết, theo quy định của luật hiện hành, giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ có thời hạn 05 năm. Sau khi hết thời hạn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng phải làm thủ tục đề nghị cấp đổi. Cơ quan có thẩm quyền cấp phải thực hiện cấp đổi giấy phép theo quy định, trong khi đó, thực tế các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ không có sự thay đổi về nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu. Hằng năm cơ quan quản lý, cấp phép có trách nhiệm kiểm tra vũ khí, công cụ hỗ trợ và giấy phép.

Như vậy, việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều thủ tục, thời gian, chi phí không cần thiết, gây tốn kém cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà nước. Bên cạnh đó, cùng là công cụ hỗ trợ, một số loại như: Súng công cụ hỗ trợ, dùi cui điện, dùi cui kim loại... được cấp giấy phép sử dụng. Trong khi đó, một số loại như: Dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao, quả nổ, bình xịt hơi cay... lại cấp giấy xác nhận đăng ký. Quy định như vậy không đồng bộ, thống nhất, do đó, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm nhất trí với quy định trong dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Còn nhiều loại súng tự chế chưa được quy định trong Luật hiện hành

Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm cũng đồng tình với quy định bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng. Theo đại biểu, qua tổng kết 05 thi hành Luật hiện hành cho thấy: trong tổng số 2.113 vụ, 3.135 đối tượng sử dụng trái phép các loại súng gây án, có 1.783 vụ, 2.589 đối tượng sử dụng các loại súng tự chế gây án. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, nguy hiểm như vũ khí quân dụng.

Tuy nhiên, theo quy định của luật hiện hành, loại vũ khí này một số được xác định là súng săn (súng kíp, súng hơi), một số là vũ khí thể thao (súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay); còn nhiều loại súng tự chế chưa được quy định trong Luật.

Các đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường

Các đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường

Bên cạnh đó, đối tượng chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại súng này chỉ bị xử lý hình sự theo Điều 306 Bộ luật Hình sự, khi đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích. Mặt khác, nhiều loại súng như: Súng nén khí, súng bắn đạn bi... chưa có chế tài xử lý.

Như vậy, việc quy định như Luật hiện hành đã không bao quát đầy đủ các loại súng, do đó, tội phạm đã lợi dụng chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại súng này.

Với những lý do nêu trên, dự thảo Luật đã bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng là cần thiết. Khi sử dụng các loại súng này vào mục đích săn bắn là súng săn, khi sử dụng vào mục đích luyện tập, thi đấu thể thao là vũ khí thể thao là phù hợp.

Lan Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=87217