ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: PHÁT HUY TỐI ĐA TIỀM NĂNG, LỢI THẾ BIỂN TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ về về việc đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 và tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch năm 2024 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã chỉ ra những bất cập, khó khăn trong các quy hoạch liên quan tới khai thác, sử dụng tài nguyên biển và đễ xuất một số giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế biển Việt Nam trong thời gian tới.

Kinh tế biển là một trong 04 trụ cột tăng trưởng

Nước ta có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là đường bờ biển dài khoảng 3.260km; khoảng hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ, trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược rất quan trọng; các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 (trải dài trên 28 tỉnh, thành phố ven biển). Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển; trong đó, xác định đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển có đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển,...

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Qua nghiên cứu, đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 và tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch năm 2024.

Tuy nhiên, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, vấn đề biển, đảo ít được đề cập, nhất là trong công tác quy hoạch. Trong khi đó, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương lớn của Đảng, được cử tri, nhân dân, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương có biển rất mong muốn và kỳ vọng Chiến lược sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá. Theo nhiều chuyên gia, kinh tế biển là một trong 04 trụ cột tăng trưởng của nước ta dựa trên tiềm năng, địa kinh tế quốc gia, thời cơ của thời đại, bên cạnh 03 trụ cột gồm có nông nghiệp nhiệt đới, du lịch và đô thị.

Còn bất cập, khó khăn trong các quy hoạch liên quan tới khai thác, sử dụng tài nguyên biển

Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương đang tiến hành sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết. Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, phê duyệt Quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Đồng thời, các ngành, địa phương có biển đã và đang lập quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Những quy hoạch này sẽ là tiền đề quan trọng để cụ thể hóa những mục tiêu chiến lược.

Đến nay đã có 37/42 quy hoạch ngành quốc gia, 04 quy hoạch vùng liên quan trực tiếp đến biển trong số 06 quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, 27/28 quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đã được phê duyệt hoặc đang được xem xét, phê duyệt.

Qua nghiên cứu, đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhận thấy những vấn đề biển, đảo cần được quan tâm hơn nữa trong các quy hoạch nêu trên. Về vấn đề này, chúng ta đang gặp những khó khăn, bất cập, cụ thể là:

Thứ nhất, các quy hoạch liên quan tới khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo mang tính chất liên ngành, liên vùng. Tuy nhiên, tư duy, cách tiếp cận hiện nay lại chủ yếu mang tính chất đơn ngành, mang tính cục bộ, địa phương. Thông tin, dữ liệu đầu vào chưa đồng bộ, thiếu cả về số lượng, chất lượng nên việc đánh giá hiện trạng, tiềm năng tài nguyên biển phục vụ cho công tác dự báo, xây dựng quy hoạch khó đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Đến nay, chúng ta mới khảo sát, điều tra được khoảng 37% diện tích biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000. Thông tin, dữ liệu còn chưa đầy đủ về tiềm năng, trữ lượng năng lượng tái tạo, đa dạng sinh học biển, tài nguyên, môi trường ở vùng biển sâu, xa bờ và các khu vực đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Kinh phí đầu tư cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chỉ đạt khoảng 50% tổng kinh phí dự toán đã được phê duyệt trong hơn 10 năm qua.

Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển

Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển

Thứ hai, các quy hoạch đều đang được triển khai lập đồng thời. Việc tích hợp các quy hoạch gặp nhiều khó khăn có thể dẫn đến thiếu sự đồng bộ, thống nhất, liên thông, kết nối giữa các quy hoạch hay sự chồng lấn, mâu thuẫn, điển hình như giữa vùng nước cảng, vận tải biển với nuôi trồng thủy sản, giữa vùng bảo vệ với vùng để phát triển kinh tế biển; đối với vùng biển ven bờ, là những mâu thuẫn, xung đột trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất ven biển, lấn biển, nạo vét đáy biển với công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, những vấn đề về thị trường, kinh tế, tài chính, các biện pháp chính sách cụ thể thông thường chưa được quan tâm đúng mức trong công tác quy hoạch.

Thứ ba, việc phân định ranh giới trên biển còn rất khó khăn, làm ảnh hưởng lớn tới việc lập quy hoạch liên quan tới phạm vi trên biển, không rõ trách nhiệm, thẩm quyền quản lý biển giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương có biển với nhau. Bên cạnh đó, là những khó khăn về năng lực tư vấn, cơ quan quản lý, nguồn lực đầu tư trong quá trình lập quy hoạch.

Cần tranh thủ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển trong phát triển bền vững đất nước

Để tranh thủ và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển trong phát triển bền vững đất nước, khắc phục những bất cập nêu trên, tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan, các địa phương quan tâm hơn nữa vấn đề biển, đảo trong công tác quy hoạch. Theo đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện, cập nhật các quy hoạch, chú trọng vấn đề biển, đảo theo đúng chủ trương của Đảng, nhất là đối với 02 quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia về biển, các quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh của 28 địa phương có biển.

Đồng thời, hoàn thiện và sớm đưa vào vận hành cơ chế điều phối liên ngành, liên địa phương có biển; tổ chức phân định ranh giới hành chính trên biển giữa các địa phương, làm cơ sở quản lý biển một cách hiệu quả theo đúng chiến lược, quy hoạch. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thông tin, dữ liệu về biển, đảo theo các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phục vụ tốt cho việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan, trong đó có việc tổng kết, sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển.

Đại biểu Thi đặc biệt đề nghị những nội dung này sẽ được lưu ý trong Nghị quyết kỳ họp lần này. Trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Quốc hội, Chính phủ khóa XV, sẽ có nhiều quyết sách, hành động kịp thời, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển để chúng ta thực sự đánh thức, khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Biển Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của thế giới trong thời đại ngày nay./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81798