ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH: ĐỀ XUẤT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT VỀ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC Y TẾ CƠ SỞ

Góp ý về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề xuất ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực y tế cơ sở nhằm nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương.

ĐBQH Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

ĐBQH Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cơ bản thống nhất với những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế và các nhóm giải pháp liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri, đặc biệt là cử tri ngành y tế và các chuyên gia, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần bổ sung thêm một số giải pháp nhằm phát triển nhân lực y tế dự phòng và nhân lực y tế cơ sở trong thời gian tới.

Để hoàn thiện tổ chức hệ thống y tế nói chung, y tế cơ sở và y tế dự phòng nói riêng nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đại biểu cho rằng, cần phát triển theo hướng y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.

Hiện nay cả nước có rất nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản. Đại biểu cho rằng, đây là mảng y tế cơ sở trực tiếp, gần dân nhất, được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới cơ sở y tế cơ sở này chưa chưa đáp ứng cũng như chưa thích ứng sự với thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.

Các đại biểu Quốc hội tại Phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại Phiên họp

Đại biểu cho rằng, công tác chăm sóc sức khỏe đang tập trung nhiều tới điều trị bệnh tại các cơ sở y tế, tuy nhiên chúng ta chưa thực hiện tốt việc quản lý yếu tố nguy cơ sàng lọc, phát hiện bệnh sớm tại các trạm y tế xã. Cả nước vẫn còn khoảng 20% tổng số xã chưa có bác sĩ phải đưa lên bác sĩ từ tuyến huyện khám, chữa bệnh để người dân dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám bệnh.

Theo đại biểu, năng lực cung cấp dịch vụ y tế của y tế cơ sở còn hạn chế, tại nhiều trạm y tế, năng lực chuyên môn của thầy thuốc còn yếu, chưa thực hiện đảm bảo danh mục kỹ thuật theo quy định. Bên cạnh đó, còn những khó khăn về nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; mô hình tổ chức, mô hình quản lý các trung tâm y tế huyện còn bất cập trong cơ chế, chính sách thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế… cũng chính là cản trở đối với y tế cơ sở.

Trong khi y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, đồng thời là tuyến đầu, người gác cổng của hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu trực tiếp và gần với nhân dân nhất. Y tế cơ sở là nơi, người dân dễ tiếp cận với chi phí thấp, đảm bảo công bằng xã hội, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Trong những năm vừa qua, ngành y tế đã có rất nhiều nỗ lực để phát triển hệ thống y tế cơ sở, để y tế cơ sở thực sự là người gác cổng đáng tin cậy cho người dân, đóng góp hiệu quả cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều giải pháp cho y tế cơ sở những năm qua như tăng vốn đầu tư, đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế, thực hành luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới… Nhưng các giải pháp này đều chưa phát huy được hiệu quả.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, giải pháp tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là một giải pháp căn cơ nhưng cần có mô hình cụ thể, trong đó cấp khám, chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế. Đặc biệt phải xây dựng được sự kết hợp giữa cách khám, chữa bệnh ban đầu và các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc cả về chuyên môn và hồ sơ bệnh án; đảm bảo hài hòa về nguồn thu giữa các tuyến để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống hoạt động y học gia đình - mô hình tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý được sức khỏe người dân, kể cả người bị bệnh hay người khỏe mạnh.

Song song đó, đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực y tế cơ sở, đồng thời tiếp tục thực hiện chức năng giám sát đối với việc thực hiện các chính sách về y tế cơ sở, xem xét bổ sung một số dịch vụ sàng lọc có tính chi phí, hiệu quả…

Mặt khác, để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, kế thừa chính sách của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành, đại biểu kiến nghị Quốc hội xây dựng 1 dự án Luật nhằm để phòng ngừa, điều chỉnh các loại bệnh tật, loại hình bệnh tật mới nói chung.

Một lần nữa nhấn mạnh, nhân lực ngành y tế là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ, chăm sóc sức khỏe toàn dân và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe. Nhân lực y tế có đặc điểm, đặc thù riêng của ngành như cần có trình độ chuyên môn cao, làm việc nhóm tốt, thực hiện đúng chuẩn mực đạo đức nghề y, thời gian học tập, đào tạo chuyên môn nhân viên y tế dài, nhân viên y tế làm việc trong môi trường vất vả, áp lực lây nhiễm cao… Song thực tế cho thấy nhân lực ngành y tế vẫn còn nhiều bất cập, mất cân đối về phân bố nhân lực y tế, chẳng hạn như thiếu một số chuyên ngành nhi, y học dự phòng, kỹ thuật y tế; phân bố cán bộ y tế không đồng đều giữa các vùng miền, tập trung ở đồng bằng, thành thị và khu vực điều trị, số lượng, trình độ nhân lực y tế chưa đồng đều giữa các tuyến y tế.

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng nhân lực y tế còn nhiều hạn chế, có hiện tượng chảy máu chất xám. Hiện nay tình trạng quá tải các bệnh viện, các cơ sở y tế tuyến trên thường xuyên xảy ra do cơ do cơ sở y tế tuyến dưới chưa tạo được niềm tin cho người dân, khiến cơ sở y tế tuyến dưới chưa sử dụng hết công năng, trong khi đó tuyến trên lại quá tải.

Theo đại biểu, điều này xảy ra do thiếu cơ chế quản lý hợp lý, phân giao trách nhiệm và quyền hạn chưa rõ ràng hoặc tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y tế chưa cao dẫn đến sự lãng phí nguồn lực. Một số cán bộ y tế trình độ kiến thức, năng lực lãnh đạo, quản lý còn hạn chế, cập nhật thông tin lý luận và thực tiễn chưa kịp thời …

Ngoài ra, cũng phải kể đến nguyên nhân là quản lý nhân lực y tế hiện nay chưa hiệu quả. Công tác quy hoạch nhân lực y tế còn chưa cụ thể, từng khu vực, từng tuyến, từng chuyên ngành, chính sách lương, thưởng, phụ cấp còn nhiều bất cập, thu nhập thấp, phụ cấp nghề nghiệp, chức vụ, đặc biệt không có tính cạnh tranh, giữ chân và phát triển nhân lực y tế… Không chỉ vậy, hiện nay điều kiện làm việc của cơ sở y tế còn khó khăn về trang thiết bị y tế, đặc biệt là trong khi dịch COVID-19 bùng phát…

Từ những vấn đề trên, đại biểu cho rằng, để tăng cường nguồn nhân lực cũng như chất lượng nhân lực y tế, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được nêu trong nghị quyết của Quốc hội lần này./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76363