ĐBQH tỉnh Hòa Bình nói về vụ việc đổ trộm dầu thải vào nguồn nước cung cấp cho người dân Thủ đô
Theo ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho biết, nếu có động cơ bên trong hoặc đổ trộm dầu thải có tổ chức nhằm cạnh tranh không lành mạnh đối với dịch vụ cung cấp nước, vì lợi ích của nhà đầu tư mà ảnh hưởng đến sức khỏe hàng vạn người dân là không thể chấp nhận được.
Cần quy định chặt chẽ để bảo vệ nguồn nước
Ngày 1/11, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đã chia sẻ với báo chí xung quanh sự cố đổ trộm dầu thải xảy ra tại hồ Đồng Bài (Hòa Bình), gây ảnh hưởng đến chất lượng nước, an toàn nguồn nước và khiến hàng trăm nghìn cư dân Hà Nội gặp khốn đốn.
Theo đánh giá của đại biểu Sinh, hậu quả của việc đổ trộm dầu thải vô cùng nặng nề, ảnh hưởng, tác động đến đời sống, sinh hoạt đến hàng vạn cư dân Thủ đô. Đối với cơ quan nhà nước, qua sự việc cũng chỉ rõ những lỗ hổng về mặt pháp lý trong việc cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân nói chung và quản lý nguồn nước nói riêng.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, sự việc đang được cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xác minh đúng người đúng tội, đặc biệt xem việc đổ trộm dầu thải với mục đích gì, từ đó mới xử lý được nguồn gốc của vấn đề.
Nếu không có luật riêng về an ninh nguồn nước thì Luật Tài nguyên nước phải có quy định chặt chẽ về bảo vệ nguồn nước cũng như các dịch vụ về nước cho người dân phải chặt chẽ hơn.
"Phải coi đó là an ninh, an toàn nguồn nước, chứ không đơn giản là bơm lên xử lý lọc để bán cho người dân", đại biểu nhấn mạnh.
Nhắc đến việc giám sát đối với sự cố xảy ra tại địa phương, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nêu quan điểm: "Xử lý làm sao cho đúng, bởi vì dư luận còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc như động cơ của việc đổ trộm dầu thải là gì? Phải giám sát cho thật tốt nếu có động cơ bên trong hoặc đổ trộm dầu thải có tổ chức nhằm cạnh tranh không lành mạnh đối với dịch vụ cung cấp nước. Không thể để vì lợi ích của một vài nhà đầu tư mà ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng vạn người dân, như thế thì không chấp nhận được".
Theo đại biểu Sinh, ngoài ra, cơ quan chức năng cần quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý chất lượng nguồn nước. Mặc dù nhà máy sử dụng nước mặt hoàn toàn nhưng hồ Đồng Bài cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về Luật Tài nguyên nước, kể cả nước dùng để sản xuất, sinh hoạt, thủy lợi cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn.
Lấy lại Đồng Bài để hồ làm đúng chức năng
Theo vị đại biểu đoàn Hòa Bình cho biết, hồ Đồng Bài là hồ thủy lợi chứ không phải hồ để cung cấp nguyên liệu thô cho Nhà máy nước sạch Sông Đà. Vì vậy, cơ chế quản lý hồ Đồng Bài không chặt chẽ. Xung quanh đó có dân cư, có trang trại nông nghiệp, người dân sử dụng các hóa chất cho nông nghiệp. Hơn nữa, khu dân cư ở đó sẽ có nước thải sinh hoạt không qua xử lý.
"Tỉnh Hòa Bình đã chính thức có ý kiến và Nhà máy nước Sông Đà cũng có phản hồi trong giai đoạn 2 sắp tới nhưng cũng cần có thời gian. Khi chúng tôi trao đổi thì giám đốc công ty có nói lại là, nếu bây giờ sử dụng nước mặt từ Sông Đà lên thì nhà máy nước phải thay đổi cả công nghệ.
Tỉnh có đề nghị Nhà máy nước Sông Đà không sử dụng nước hồ, trả lại phục vụ mục đích chính là thủy lợi. Bởi vì cho công ty sử dụng thì đương nhiên là khi xả nước cũng phải có sự phối hợp. Khi xả nước tưới tiêu cạn đến mực nước chết cũng không được và cũng không thể để nhà máy không có nguồn nước để phục vụ cho người dân", đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói.
Trước thông tin tỉnh Hòa Bình lấy lại hồ Đồng Bài, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh thông tin: "Đồng chí Bí thư tỉnh ủy đã có buổi làm việc với các cơ quan của tỉnh và giám đốc nhà máy nước. Đồng chí có đánh giá hiệu quả về kinh tế, xã hội cũng như chỉ ra những tồn tại, yếu kém của dịch vụ cung cấp nước, đặc biệt để xảy ra sự cố cung cấp nước bẩn cho người dân. Trên cơ sở đó để đảm bảo an ninh, an toàn cho nguồn nước lâu dài, đồng chí Bí thư tỉnh ủy có đề nghị ủy ban tỉnh làm việc với công ty để thực hiện đúng theo thiết kế ban đầu là sử dụng nước sông Đà chứ không sử dụng nước hồ Đồng Bài".