ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN: CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH VIỆC THU THẬP CHỨNG CỨ TRONG CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ, VỤ ÁN HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN

Góp ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng quy định việc thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính của Tòa án.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Phóng viên: Quốc hội vừa thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này?

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Qua nghiên cứu hồ sơ của dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), tôi đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật cũng như bố cục dự thảo Luật. Tôi cho rằng, nội dung của dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội lần này đã bổ sung căn bản và toàn diện so với Luật năm 2014.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này, tôi cơ bản tôi đồng tình. Tuy nhiên, đối với Thẩm phán, tôi cho là đã được đề cập trong các chức danh khác, không nên nhắc lại. Tôi đề nghị bổ sung thêm: Tổ chức xét xử vào phạm vi điều chỉnh và được chỉnh sửa lại: “Luật này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về tổ chức xét xử và bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.

Phóng viên: Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu còn quan tâm và góp ý những nội dung nào?

Phóng viên: Việc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự là một trong những nội dung nhận được nhiều góp ý của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật này, quan điểm của đại biểu thế nào?

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Đối với cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự tại Điều 15, theo quy định tại khoản 1 Điều này quy định, Tòa án nhân dân không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; khoản 2: Tòa án nhân dân sẽ hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc và khoản 3: Tòa án nhân dân hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính nếu đương sự là người yếu thế trong xã hội.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, dự thảo quy định như vậy chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hiện nay tại Việt Nam. Bởi thực tế về trình độ dân trí, ý thức, hiểu biết pháp luật của người dân, nhất là người lao động còn nhiều hạn chế, trong khi cơ chế Luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết được yêu cầu của người dân.

Đối với vụ án hình sự, tôi đồng tình với dự thảo là Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân thu thập trong hồ sơ vụ án. Tòa án nhân dân không có nhiệm vụ trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.

Đối với vụ việc dân sự, vụ việc hành chính, tôi cho rằng Ban soạn thảo cần xem xét, đánh giá bổ sung thực trạng thực hiện nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính của Tòa án trong thời gian qua, đồng thời đánh giá bổ sung tác động của việc bỏ nhiệm vụ này trong thực tiễn tố tụng. Mặt khác, Nghị quyết 27 yêu cầu “Nghiên cứu, làm rõ những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong xét xử”. Bên cạnh đó, đối với việc hỗ trợ người yếu thế thì hiện nay đã có chế định trợ giúp pháp lý, trong đó bao gồm cả việc hỗ trợ thu thập chứng cứ. Do vậy, việc thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính của Tòa án cần đc cân nhắc kỹ lưỡng theo Nghị quyết 27 của Trung ương.

Phóng viên: Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật này, đại biểu còn có góp ý gì?

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), tôi có một số góp ý. Cụ thể:

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân quy định tại Điều 3, tại khoản 1 quy định Tòa án nhân dân “thực hiện quyền tư pháp”. Tôi đồng tình với quy định này của dự thảo bởi Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Tôi cho rằng, việc quy định như vậy là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải cụ thể hóa nội dung thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với nhiện vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác.

Về tiêu chuẩn thẩm phán tại Điều 95, khoản 2 quy định về độ tuổi bổ nhiệm thẩm phán lần đầu đủ 28 tuổi trở lên. Tôi đồng tình với nội dung này, bởi với độ tuổi như vậy mới bảo đảm thời gian tham gia công tác thực tiễn pháp luật đủ từ 5 năm trở lên.

Bên cạnh đó, tại khoản 5 quy định: có thời gian công tác thực tiễn pháp luật. Tôi đề nghị cần quy định cụ thể hơn về số năm công tác thực tiễn pháp luật đủ từ 5 năm trở lên.

Liên quan đến quy định điều kiện bổ nhiệm thẩm phán tại Điều 96, khoản 2 quy định về các trường hợp đặc biệt được bổ nhiệm thẩm phán khi chưa qua đào tạo nghiệp vụ xét xử. Tôi đồng tình với quy định này, bởi khi tham gia công tác tư pháp từ 10 năm hoặc 15 năm đã tích lũy đc nhiều kinh nghiệm, đồng thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác cán bộ, nhất là việc điều động, luân chuẩn cán bộ như hiện nay.

Đối với quy định về nhiệm kỳ thẩm phán Tòa án nhân dân tại Điều 100, tôi đồng tình với dự thảo Luật. Tuy nhiên, tại khoản 4 quy định đối với thẩm phán không đủ điều kiện được bổ nhiệm lại và cũng tại khoản này có quy định: đủ điều kiện tiếp tục làm Thẩm phán. Điều kiện trong 2 trường hợp này bao gồm những điều kiện như thế nào? Tôi cho rằng, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể để bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự thảo luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thu Phương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82484