ĐBQH TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÂN BỔ NGUỒN LỰC

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về phân bổ nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số, vùng núi.

Đa dạng hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc miền núi

Xác định việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ các địa phương đã được ban hành. Nổi bật là ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn và xã đạt dưới 5 tiêu chí cao hơn 4 - 5 lần so với các địa phương khác.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020”. Trong đó, bổ sung khoảng 1.400 tỷ đồng để hỗ trợ cho 3.513 thôn, bản, ấp thuộc 36 tỉnh triển khai Đề án…

Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn và xã đạt dưới 5 tiêu chí

Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn và xã đạt dưới 5 tiêu chí

Theo số liệu, giai đoạn 2016 – 2019, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã huy động được khoảng 988.846 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM, chiếm 78% tổng vốn huy động của cả nước (1.268.823 tỷ đồng). Trong số đó có tới 70.599 tỷ đồng kinh phí do người dân đóng góp thông qua hiến đất và ngày công lao động.

Nhờ nguồn đầu tư lớn, đến tháng 3-2020, cả nước đã có 2.947 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 45% tổng số xã). Bình quân mỗi xã đã đạt 14,87/19 tiêu chí. Một số tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới như: Huyện Trấn Yên (Yên Bái), thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), huyện Tây Trà (Phú Yên)…

Thông qua Chương trình xây dựng NTM, đời sống của đồng bào các dân tộc cả nước đã được cải thiện rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm khoảng 3 - 4%/năm. Đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có 61,3% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và 60,7% số xã hoàn thành tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo.

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn

Sau khi nhận được chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1819 trả lời đại biểu Triệu Thị Thu Phương:

Về việc phân bổ nguồn lực thực hiện cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó quy định tiêu chí phân bổ ưu tiên cho các xã khó khăn và các xã dưới 5 tiêu chí với hệ số cao gấp 4-5 lầm so với các xã không được ưu tiên, bình quân mỗi xã được phân bổ khoảng 11,2-13,5 tỷ đồng trong cả giai đoạn 5 năm. Căn cứ vào mục tiêu phấn đấu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đén năm 2020 và điều kiện thực tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ cho các xã đảm bảo tổng mức vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho các xã trong cả giai đoạn 2016-2020 theo đúng các nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ của Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Để tăng thêm nguồn lực cho các xã khó khăn, ngày 21/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1385/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thôn, bản ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020”, trong đó Đề án bố trí thêm 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển trong tổng vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Chương trình để hỗ trợ bổ sung cho 36 tỉnh triển khai thực hiện Đề án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý về chủ trương trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu của Chương trình giải đoạn 2016-2020 cho phù hợp với tình hình triển khai thực tế và xem xét bổ sung nguồn lực từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ thực hiện chương trình.

Do những xã thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc, thiểu số và miền núi hầu hết đều có điều kiện kinh tế khó khăn, xuất phát điểm thấp, nằm ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi có địa hình bị chia cắt nên để hoàn thành được những tiêu chí phát triển hạ tầng kinh tế xã hội thì cần nguồn lực rất lớn để đầu tư, vẫn còn có sự chênh lệch lớn so với bình quân chung của cả nước.

Về kết quả Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Thủ tướng cho biết trong 03 năm từ 2016-2018, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đã hướng dẫn, hỗ trợ 07 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Sơn La. Nội dung các dự án bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống các dân tộc thiểu số bao gồm: Bảo tồn văn hóa vật thể tiêu biểu; bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với dân tộc, với địa phương gồm các tri thức dân gian, âm nhạc, ca vũ, các lễ hội, trò chơi dân gian; bảo tồn cảnh quan môi trường gắn với các giá trị văn hóa để tạo cảnh quan môi trường nhằm phát triển du lịch.

Năm 2017, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đã đề xuất hỗ trợ trang thiết bị cho 10 Trung tâm Văn hóa thể thao cấp huyện tại các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã xây dựng phương án đề xuất hỗ trợ xây dựng 24 Trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, 18 nhà văn hóa – khu thể thao thôn; hỗ trợ trang thiết bị cho 123 Trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, 72 nhà văn hóa thể thao thôn.

Năm 2018, Chương trình đã hỗ trợ mua sắm trang thiết bị hoạt động cho 4 Trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, 19 Nhà văn hóa – khu thể thao thôn mới mức kinh phí trên 1 tỷ đồng ưu tiên các xã, thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Luật Ngân sách, kinh phí đầu tư phát triển, quản lý khai thác và bảo trì hệ thống giao thông địa phương thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện chương trình xây cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020 với nội dung chính: Đầu tư xây dựng 4,145 cầu, trong đó có 3.664 cầu cứng và 481 cầu treo với tổng mức đầu tư 8.338 tỷ đồng trên địa bàn dân tộc vùng thiểu số thuộc 50 tỉnh, thành phố theo Quyết định 447/QĐ-UBDT ngày 19/92013 của Ủy ban Dân tộc.

Bộ Giao thông vận tải đã triển khai các Đề án/Dự án về đầu tư xây dựng cầu dân sinh: Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1906/QĐ-BGTVT ngày 20/5/2014, tổng số vốn đầu tư 931,7 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành toàn bộ 186 cầu; Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 3/2/2016 với tổng mức đầu tư 9.203 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 676 km đường trên địa bàn 14 tỉnh, xây dựng 2.272 cầu dân sinh.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Sau khi được phân bổ kinh phí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần ưu tiên cho phát triển các tiêu chí văn hóa, quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, chú ý đến công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở; đồng thời có chính sách đối với cán bộ làm công tác văn hóa tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao;

- Nghiêm túc thực hiện Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chinh phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã dưới 5 tiêu chí được ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương với hệ số phân bổ cao gấp 4-5 lần so với các xã không được ưu tiên;

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020” theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các quy định huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nông thôn mới và cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời chú trọng tăng cường việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách phù hợp, bảo đảm nguyên tắc không được ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ

Đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Triệu Thị Thu Phương cho rằng, những giải pháp do Thủ tướng Chính phủ đưa ra là phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo tính khả thi. Để làm rõ hơn về nội dung này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Phóng viên: Xuất phát từ thực tiễn nào mà đại biểu đặt câu hỏi chất vấn đối với Thủ tướng về vấn đề phân bổ nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số, vùng núi ?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 32 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các tiêu chí đạt được như đầu tư hạ tâng giao thông, thiết chế văn hóa có sự chênh lệch rất lớn so với bình quân chung của cả nước. Cử tri cho rằng, nguyên nhân là do phân bổ nguồn lực để thực hiện cho vùng này còn thấp, chưa tương xứng.

Vì vậy, trên cơ sở kiến nghị của cử tri và căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, tôi đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ nhằm làm rõ thêm về vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới.

Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1819 trả lời đại biểu về nội dung chất vấn. Đại biểu có đồng tình với phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Tôi đánh giá rất cao nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói, ngay sau khi nhận được phiếu chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp trả lời, phản hồi kịp thời cho đại biểu. Trong đó, đưa ra nhiều giải pháp để để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương trong thời gian. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc nghiêm túc thực hiện Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chinh phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã dưới 5 tiêu chí được ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương với hệ số phân bổ cao gấp 4-5 lần so với các xã không được ưu tiên.

Phóng viên: Trong Công văn trả lời, người đứng đầu Chính phủ đã nêu một loạt giải pháp nâng cao hiệu lực phân bổ nguồn lực cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Theo đánh giá của đại biểu, những giải pháp này có giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Tại văn bản trả lời, trên cơ sở phân tích thực trạng, đặc điểm, tình hình cũng như việc phân bổ nguồn lực thực hiện cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: ưu tiên cho phát triển các tiêu chí văn hóa, quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa; các xã đặc biệt khó khăn, xã dưới 5 tiêu chí được ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương với hệ số phân bổ cao gấp 4-5 lần so với các xã không được ưu tiên; thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020”; chú trọng tăng cường việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách phù hợp, bảo đảm nguyên tắc không được ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong các giải pháp đưa ra, giải pháp ưu tiên cho các xã chưa đạt 5 tiêu chí sẽ được dành nguồn lực, tôi cho rằng rất khả thi đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong 19 tiêu chí nếu không được ưu tiên thì các xã dưới 5 tiêu chí còn rất lớn.

Vùng dân tộc thiểu số, miền núi cơ bản là địa hình chia cắt, giao thông đi lại rất khó khăn, do vậy việc Chính phủ phân bổ, dành nguồn lực ưu tiên đặc biệt là vô cùng cần thiết. Đại biểu và cử tri kỳ vọng với những giải pháp do Thủ tướng Chính phủ đưa ra, công tác xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước đã đạt được nhiều thành tựu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=45252