ĐBQH TRƯƠNG XUÂN CỪ: HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH THỂ HIỆN TÍNH DÂN CHỦ, TÍNH QUYẾT LIỆT, TẬP TRUNG, PHÁT HUY TRÍ TUỆ CỦA MỖI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Bên lề Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị là rất cần thiết, thể hiện quyết tâm rất cao của UBTVQH, thấy được tính dân chủ, tính quyết liệt cũng như tính tập trung, phát huy trí tuệ của mỗi vị đại biểu tham gia vào quá trình sửa đổi các dự án Luật.
Sáng 28/3, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để thảo luận, góp ý một số dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Các đại biểu Quốc hội chuyên trách tập trung cho ý kiến vào 4 Dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Bên lề Hội nghị, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội xung quanh các nội dung của Hội nghị này.
Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3?
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Tôi đánh giá rất cao tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Đây là Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chúng ta biết rằng, để luật đi vào cuộc sống, các luật tham góp vào quá trình phát triển đất nước thì cần đảm bảo các mục tiêu, đảm bảo các nhiệm vụ và phát huy các dự án luật trong đời sống của xã hội. Do vậy việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách này là rất cần thiết, thể hiện quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thấy được tính dân chủ, tính quyết liệt cũng như tính tập trung, phát huy trí tuệ của mỗi vị đại biểu Quốc hội để tham gia vào quá trình sửa đổi, hoàn thiện các dự án Luật.
Phóng viên: Qua nhiều ý kiến góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu có quan điểm như thế nào về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này?
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, tôi cho rằng đây là dự án Luật rất khó, chuyên môn sâu. Tuy đối với thế giới, vấn đề sở hữu trí tuệ không còn mới, đã có từ lâu nhưng đối với Việt Nam, Luật này là một trong những luật mới. Vì vậy, cần tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.
Tôi cho rằng, Việt Nam còn ít kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Luật. Những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm hoặc cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì trong Luật cần xác định một số nguyên tắc chung để giao quy định chi tiết.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tôi nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ là rất cần thiết để phù hợp với xu thế chung, sửa đổi phải bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại Hội nghị, các ý kiến đại biểu góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ rất sôi nổi, thẳng thắn, toàn diện, phong phú với tinh thần nghiêm túc. Các đại biểu tập trung thảo luận vào một số vấn đề lớn của dự án Luật: Thứ nhất, về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 86 và Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 38 và khoản 39 Điều 1 của dự thảo Luật); Thứ hai, về quyền tác giả, quyền liên quan đối với quốc kỳ, quốc huy, quốc ca; Thứ ba, về một số nội dung cụ thể khác như quyền tác giả, quyền liên quan; về quyền sở hữu công nghiệp; về quyền đối với giống cây trồng.
Phóng viên: Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cũng nhận được nhiều sự quan tâm thảo luận, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Đại biểu có đề xuất, kiến nghị như thế nào nhằm hoàn thiện dự án Luật này?
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Hội nghị sáng nay đã có một số ý kiến góp ý về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đặc biệt là quyết tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào các đối tượng lao động, sản xuất có thành tích và được đưa vào một số điều của dự án Luật.
Nhìn vào tổng thể, để các đối tượng này tham gia được thì còn gặp một số khó khăn. Vì các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhất là doanh nghiệp cá nhân không có Ban thi đua, không có người làm về thi đua, trong khi đó, quy trình, thủ tục khen thưởng hiện nay do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trình thì các đối tượng này rất khó được khen thưởng. Do vậy hiện còn gặp khó khăn, bất cập liên quan đến vấn đề này. Vì thế, tôi đề nghị cần làm rõ nội dung này trong dự án Luật. Cần thiết phải có tiêu chí, tiêu chuẩn về doanh nghiệp để khen thưởng. Nếu doanh nghiệp đạt được thành tích thì có thể giao cho các cơ quan chủ quản (như cơ quan thuế…) khen thưởng để kịp thời nêu gương trong lao động, sản xuất. Theo tôi, nếu làm được như vậy thì Luật sẽ đi vào cuộc sống.
Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành mới chỉ tập trung khen thưởng các cán bộ, công chức, viên chức. Còn những người lao động trực tiếp, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân là những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp trực tiếp cho kinh tế đất nước phát triển hùng cường nhưng các đối tượng này vẫn chưa được quan tâm sâu sắc và triệt để. Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này đã có quan tâm đến các đối tượng này nhưng cách thức thể hiện trong dự án Luật vẫn còn vướng mắc.
Tôi cho rằng, dự thảo Luật cũng cần làm rõ quy trình, thủ tục để có thể khen thưởng một cá nhân lao động sản xuất hoặc doanh nghiệp tư nhân sao cho rõ ràng hơn, cụ thể hơn và thiết thực hơn nhằm tạo động lực, phát triển các doanh nghiệp vững mạnh để tăng sức mạnh của nền kinh tế đất nước.
Việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (Điều 51 và Điều 55) là một trong những nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Cá nhân tôi đồng tình ủng hộ việc bổ sung hình thức khen thưởng này. Với tính chất là một hình thức khen thưởng kháng chiến, tôi nghĩ nên đưa quy định này vào dự án Luật.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=63197