ĐBQH truy trách nhiệm ngành giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đăng đàn trả lời

Tại ngày làm việc 30/10 của Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề về một số dự án của ngành giao thông chậm tiến độ, giải ngân chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế của địa phương. Sau đó, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có 7 phút trả lời về những vấn đề nóng được quan tâm.

Nơi cần nhanh thì chậm, nơi không cần lại nhanh

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) băn khoăn về dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hoàn thành chính thức thông xe và đưa vào khai thác ngày 02/9/2018.

Theo bà Trang, sau khi dự án hoàn thành, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hư hỏng do phục vụ thi công vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung chỉ đạo khắc phục vấn đề trên, tuy nhiên đến nay các đường gom, đường dân sinh vẫn chưa được hoàn trả. Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và họ có nhiều văn bản hứa hẹn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Qua tiếp xúc, cử tri phản ánh sắp tới là mùa mưa, đường sá lầy lội đi lại rất khó khăn.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi). Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi). Ảnh: Ngọc Thắng

Từ những vấn đề trên, vị đại biểu tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải tiếp tục khẩn trương chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm việc với các nhà thầu thi công thực hiện hoàn thành việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hư hỏng, bảo đảm điều kiện giao thông sản xuất cho nhân dân.

“Tôi thiết nghĩ, việc giải quyết hài hòa lợi ích chính đáng của chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền địa phương và nhân dân, tuy chỉ đối với một dự án được triển khai trên một địa bàn nhất định nhưng thể hiện kỷ cương, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, tạo sự đồng thuận và là niềm tin để thực hiện nhiều dự án khác, bảo đảm sự đồng thuận cao góp phần đẩy nhanh tiến độ phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư”, bà Trang bày tỏ.

Sự chậm trễ của 1 số dự án cũng được các đại biểu quan tâm đặc biệt, đại biểu Tống Thanh Bình - Lai Châu, đã có về thực hiện dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

“Chủ trương xây dựng tuyến giao thông kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ - Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được Quốc hội khóa XIV đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 71 bổ sung danh mục sử dụng vốn ODA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 Chính phủ đã hoàn thành ký kết Hiệp định vay vốn.

Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn đối ứng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Nếu trong năm 2020 không thực hiện được việc bố trí vốn thì dự án sẽ không thể triển khai được theo tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đã ký kết, ảnh hưởng lớn đến cơ hội phát triển các địa phương và đồng bào nhân dân các dân tộc vùng dự án”, ông Bình đặt vấn đề.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng một số công trình kết cấu hạ tầng chậm tiến độ. Và ông khẳng định sẽ “truy trách nhiệm” tới khi nào dự án được hoàn thành: “Rất nhiều đại biểu cho rằng tôi không còn điều gì để nói chăng, tuy nhiên tôi sẽ tiếp tục phát biểu cho đến khi nào tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ được hoàn thành. Việc nâng cấp đường Quản Lộ - Phụng Hiệp được thực hiện đúng tiến độ, lộ trình theo quyết định của Quốc hội".

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho biết sẽ truy trách nhiệm ngành giao thông tới khi tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ được hoàn thành. Ảnh: Ngọc Thắng.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho biết sẽ truy trách nhiệm ngành giao thông tới khi tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ được hoàn thành. Ảnh: Ngọc Thắng.

"Ở nội dung này, tôi không phát biểu về khó khăn nữa. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến trách nhiệm, sự quyết liệt của các ngành, các cấp. Vấn đề đặt ra là tại sao một số tuyến đường khác, nhu cầu chưa cấp thiết hoặc mức độ cấp thiết ít hơn. Cụ thể là xây dựng xong nhưng lưu lượng xe lưu thông rất đìu hiu, thưa thớt thì được triển khai thực hiện một cách nhanh chóng, suôn sẻ. Trong khi các tuyến đường này thì lúc nào cũng gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có cả khó khăn về vốn.

Tôi hy vọng rằng, sau kỳ họp này, với sự quyết liệt của các ngành, các cấp, tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ sẽ hoàn thành đúng tiến độ và tiến tới đầu tư tuyến cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 để đến năm 2025, sau 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta sẽ có một hệ thống đường cao tốc hiện đại thông suốt từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau”, đại biểu bày tỏ.

2 tháng cuối năm giải ngân 10.000 tỷ đồng

Sau khi nhận được 18 ý kiến của đại biểu liên quan đến ngành giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có 7 phút để giải đáp những thắc mắc của trước Quốc hội. Ông bày tỏ lời cảm ơn trước sự quan tâm này, và hứa tiếp thu đầy đủ, trong thời điểm sắp tới sẽ làm tốt hơn.

Qua đó, tư lệnh ngành giao thông trần tình: "Thứ nhất, về giao thông liên vùng, cả nước đang có 21.000km quốc lộ, 2.000km đường cao tốc, đây là các con đường kết nối liên vùng, đảm bảo yêu cầu phát triển. Về hàng không, chúng ta có 22 sân bay., các sân bay cũng giúp kết nối giao thông liên vùng tốt. Bên cạnh đó, chúng ta có 3.200km đường biển, chúng tôi đang phát triển mạnh vận tải ven bờ, để làm sao đáp ứng được nhu cầu liên kết giữa các vùng.

Và chúng ta có khoảng 3.200 km đường sắt đi qua nhiều tỉnh, đây là những thành quả chúng ta cố gắng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì giao thông liên vùng vẫn còn hạn chế".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định thời gian tới sẽ tập trung thực hiện hàng loạt dự án đầu tư liên kết theo trục dọc và trục ngang ở khu vực phía Bắc, gồm 4 tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La, Hạ Long – Móng Cái, Chi Lăng – Đồng Đăng và 4 quốc lộ 4C, 4D, QL 279, QL 37.

Tại vùng đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ với tuyến đường kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) cũng sẽ là ưu tiên đầu tư công thời gian tới.

Về vấn đề chậm giải ngân vốn được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận: "Năm nay, bộ GTVT được giao đến 26.000 tỷ đồng, là một trong ba đơn vị, cùng với TP.HCM và Hà Nội, được phân bổ ngân sách lớn nhất.

Trong đó, bộ bố trí 10.000 tỷ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, và 15.000 tỷ đồng cho 14 dự án giao thông cấp bách được Quốc hội thống nhất năm 2017.

Tuy nhiên, do nhiều dự án, hạng mục tập trung đầu tư, khởi công vào cuối năm nên đến nay vốn chưa được giải ngân".

"Từ đây đến cuối năm, có thể giải ngân thêm khoảng 10.000 tỷ đồng liên quan đến các dự án.

Mặt khác, theo ông Thể, Bộ còn có 10.000 tỷ đồng vốn ODA để thực hiện một số dự án giao mới. Những dự án này kinh phí rất lớn nhưng ghi vốn rất chậm nên hiện Bộ có vốn nhưng triển khai chậm. Một số dự án đang triển khai nhưng vướng mắc, lúng túng về thủ tục cần phải điều chỉnh, cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Công Luân - Hoa Liên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dbqh-truy-trach-nhiem-nganh-giao-thong-bo-truong-nguyen-van-the-dang-dan-tra-loi-a454610.html