ĐBQH: Vụ tấn công ở Đắk Lắk là hồi chuông cảnh báo, cần lực lượng an ninh cơ sở

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm cho rằng, vụ tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk là hồi chuông cảnh báo, cần sớm thiết lập lực lượng an ninh cơ sở.

Sáng 24/6, Kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhận định, tình hình an ninh trật tự xã hội ở một số nơi hiện khá phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi. “Đặc biệt vụ việc vừa qua tại Đắk Lắk gióng lên hồi chuông cảnh báo cần quan tâm hơn đến công tác an ninh trật tự cơ sở hiện nay”, bà nói.

Để đảm bảo sát thực tiễn, dự thảo Luật này nên quy định "giao cho địa phương quyết định số lượng tổ, thành viên tổ an ninh trật tự". Luật cần quy định cụ thể, tiêu chí, số lượng tối đa của lực lượng an ninh trật tự, chú trọng các địa bàn biên giới, vùng sâu vùng xa, hải đảo và tránh làm tăng ngân sách.

Đại biểu đoàn Quảng Bình cũng đề xuất, Luật quy định giao cho công an cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc xã tuyển lực lượng này từ 18 tuổi trở lên. “Đề nghị làm rõ tư cách nghĩa vụ của lực lượng này, tránh lạm quyền, đồng thời quy định rõ trách nhiệm khi họ vi phạm thì ai chịu trách nhiệm”, bà Nguyễn Minh Tâm nêu.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình). (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình). (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) đồng tình với quy định cần thiết có sự tham gia của lực lượng an ninh cơ sở trong bảo vệ an ninh. Đặc biệt, trước tình hình phức tạp của an ninh trật tự hiện nay, rất cần kiện toàn, củng cố lại lực lượng an ninh cơ sở, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo bà, dự thảo luật này đang quy định lực lượng an ninh cơ sở chịu sự quản lý của UBND cấp xã, trong đó công an xã sẽ trực tiếp hướng dẫn chuyên môn, tổ chức hoạt động. Song, đối chiếu sang Luật Tổ chức chính quyền địa phương lại quy định UBND xã có nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Thực tế có nhiều vụ việc xảy ra ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa bàn xã, để giải quyết cần có sự tham gia của các lực lượng trên địa bàn. Cao nhất cần sự chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp xã, nếu giao công an xã chỉ đạo khó hiệu quả, bà Lan phân tích.

Như vụ tấn công 2 trụ sở của UBND xã tại Đắk Lắk và một số vụ việc mất an ninh khác xảy ra tại nhiều nơi. Các vụ việc có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và tính mạng người dân cần có các biện pháp giải quyết kịp thời và phù hợp.

Các trường hợp phức tạp như vậy cần huy động lực lượng đủ mạnh, sự tham gia của quần chúng nhân dân và báo cáo kịp thời cấp trên. Đặc biệt, bổ sung vào trong luật quy định với các trường hợp cụ thể có tính chất phức tạp về an ninh trật tự, mối quan hệ trách nhiệm huy động và biện pháp giải quyết.

Ngoài ra, vị đại biểu này cũng bổ sung ý kiến, nên quy định tiêu chí số lượng thành viên lực lượng an ninh cơ sở dựa trên số hộ dân và tính chất phức tạp tại địa phương. UBND tỉnh sẽ quyết định số lượng tối đa và chế độ chính sách.

Theo bà, điều kiện hoạt động của lực lượng trong dự thảo được quy định chi tiết trong luật, nhưng cần đánh giá hài hòa với các lực lượng quần chúng khác. Đặc biệt, cơ chế tài chính cần xác định phù hợp để khả thi khi luật có hiệu lực, vì khi sắp xếp lực lượng mới chính sách phát sinh rất nhiều, chưa phù hợp với điều kiện và tài chính của các địa phương khó khăn.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dbqh-vu-tan-cong-o-dak-lak-la-hoi-chuong-canh-bao-can-luc-luong-an-ninh-co-so-ar801663.html