ĐBSCL đang giai đoạn nguy cơ sạt lở rất cao
'Chính quyền không nên cố gắng chống chọi lại sạt lở bằng những cách làm như thời gian qua nữa, mà phải can thiệp vào gốc rễ của vấn đề cùng một lúc mới giải quyết được. Cứ loay hoay với hậu quả, mà không lo giải quyết nguyên nhân cốt lõi thì nguồn lực nào can thiệp cho nổi'- Đó là chia sẻ của TS Dương Văn Ni - giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ, Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL về những giải pháp căn cơ giảm thiểu sạt lở và những thiệt hại gây ra cho ĐBSCL.
PV: Đầu mùa mưa nhưng ở ĐBSCL lại liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Ông lý giải như thế nào về tình trạng này?
TS Dương Văn Ni: Cách đây 5 năm chúng tôi đã chia sẻ với truyền thông rất nhiều về việc ĐBSCL chính thức bước vào giai đoạn mất cân bằng phù sa. Những số liệu chúng tôi quan sát, nghiên cứu từ năm 2000 đến 2005, sau đó theo dõi tới 2012 lúc đó mới dám kết luận chính xác ĐBSCL của chúng ta đang rơi vào giai đoạn mất cân bằng phù sa, phần bồi ít hơn phần lở. Vì vậy ĐBSCL đang ở giai đoạn bị sạt lở.
Trước cũng xảy ra sạt lở, nhưng sạt lở thường ở giai đoạn đỉnh của mùa nước nổi, khoảng tháng 9, 10 khi mà nước nhiều, chảy xiết, một số dòng sông, những nơi mà hố sâu mới có hiện tượng sạt lở. Nhưng từ 5 năm trở lại đây ĐBSCL chính thức bước vào giai đoạn mất cân bằng phù sa. Gần như chúng ta bị sạt lở quanh năm chứ không rơi vào mùa rõ rệt nữa. Sạt lở nhiều nhất lại vào đầu mùa mưa chứ không phải là cuối mùa mưa. Lý do đầu mùa mưa sạt lở nhiều là vì mực nước trên sông rạch thấp, mưa xuống làm mềm đất, lượng nước trên bờ nhiều hơn, do đó tràn xuống sông, tạo dòng chảy ngầm trong đất, do đó tăng khả năng sạt lở.
Cũng nhiều năm gần đây, sạt lở không chỉ xảy ra ở các sông lớn mà ở bất cứ sông rạch, thậm chí những con kênh, mương đều xuất hiện tình trạng này.
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông là do tình trạng khai thác cát và ghe thuyền đi lại nhiều. Ý kiến của ông?
- Trước đây nhiều người cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông là do ghe tàu chạy nhiều quá. Nhưng tôi cho rằng đây không phải là nguyên nhân chính, theo quan sát nếu ghe tàu chạy làm sạt lở, thì chỉ sạt lở vị trí ngang với mặt nước. Theo dõi những vụ sạt lở gần đây mới thấy, khi sạt lở cả mảng có đoạn vài chục mét, sụp thẳng xuống, do bị mất chân, phần dưới đáy bị hổng, thế thì đâu phải nguyên nhân chính do ghe tàu!
Có người còn nói nước chảy mạnh quá rồi tạo ra hàm ếch… Cũng không phải đúng hoàn toàn. Vì những kênh rạch rất nhỏ nằm trong sâu vẫn xảy ra sạt lở. Tôi nhấn mạnh lại là do phần bồi ít hơn phần lở, đây chính là nguyên tắc chung dẫn tới sạt lở.
Còn về việc khai thác cát thì có nguyên nhân này, vì lượng phù sa về ít hoặc không có, trong khi cát thì cứ cho khai thác vậy, sẽ tạo ra hố sâu ở giữa lòng sông thì cát ở hai bên bờ buộc phải sụp xuống để lấp hố sâu đó.
Có một vấn đề mà chúng tôi quan sát được, càng đi ra hướng biển, độ dốc lòng sông càng sâu. Điều đó chứng tỏ nhìn từ phía Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) nhìn dài ra hướng biển rõ ràng ĐBSCL của chúng ta đang bị dốc, càng hướng ra biển càng dốc xuống. Kể cả không ai tác động thì cát (hay còn gọi là phù sa thô) cũng sẽ tuột dần lần ra biển.
Điều này thời gian qua được các nhà khoa học và ngành chức năng đo đạc bằng những con số rất cụ thể, như ở sông Tiền, sông Hậu có năm sụp thấp xuống cả 50 đến 70 cm. Từ đó cho thấy càng ngày đáy sông càng sâu xuống. Khi đáy sông bị thấp xuống thì nó sẽ kéo bùn cát ở đáy sông nhỏ hơn sẽ bị kéo từ từ ra, do vậy sự mất cân bằng sẽ diễn ra tất cả các con sông lớn nhỏ. Hiện tượng sạt lở không còn phân biệt sông lớn hay sông nhỏ, kênh hay rạch miễn là có bờ sông là có nguy cơ sạt lở.
Vậy theo ông, giải pháp căn cơ nào để khắc phục tình trạng sạt lở ở ĐBSCL?
- Tỉnh An Giang bị sạt lở một đoạn quốc lộ 91B tại khu vực huyện Châu Phú, trong vòng 2 năm nay đã tiêu tốn gần 200 tỉ để làm chuyện: “đem cát lấp hố sâu”. Ngay từ đầu chúng tôi đã thấy cách làm này là “đổ sông, đổ biển”. Chúng ta biết được nguyên nhân căn cơ của nó, đó là hệ thống đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông đặc biệt thượng nguồn ở Trung Quốc đã chặn lại toàn bộ lượng cát (phù sa), còn đoạn Thái Lan, Lào, Campuchia họ đang tận thu cát, vừa để xây dựng, vừa để bán, vì vậy dòng sông Mê Kông bị thiếu hụt cát nghiêm trọng, ĐBSCL của chúng ta cũng đang trong tình trạng này. Do đó vấn đề căn cơ là làm sao cho người dân hiểu được đâu là nguyên nhân chính, để người dân không còn tư duy hay suy nghĩ, “Tôi sống nhiều năm ở bờ sông này có thấy sạt lở gì đâu, có gì phải lo”.
Các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương phải làm sao để người dân thấy được, vùng ĐBSCL bắt đầu bước vào giai đoạn mất cân bằng phù sa nghiêm trọng, đây là điều căn cơ nhất mà người dân phải nắm được. Làm sao để người dân ý thức được, hiểu được, chúng ta đang ở vào giai đoạn nguy cơ sạt lở rất cao. Chúng ta phải cho người dân biết, phải nói rõ cho người dân thấy rằng, từ đây tới 10 năm nữa hoàn toàn khác với từ đây trở về 50 năm đã qua, để người dân đừng chủ quan. Nhất là với những người đang sống cặp các bờ sông có nguy cơ sạt lở họ không phải cố bám víu lấy căn nhà, để rồi có thể bị tuột xuống sông bất cứ lúc nào.
Điểm thứ hai, đối với chính quyền, Nhà nước, phải thấy được kinh phí hiện có của chúng ta nhỏ nhoi lắm, nên phải nghĩ cách làm sao sử dụng cho có hiệu quả. Đừng có nghĩ chúng ta dàn trải cục tiền đó cứu hết tất cả các căn nhà ở bờ sông là cách làm hay. Tính ra tổng các dòng sông lớn nhỏ chiều dài cả ngàn km tiền ở đâu mà phân bổ cho đủ. Vì vậy chúng ta chỉ nên ưu tiên vào những vị trí trọng yếu hay các trung tâm thương mại đang vận hành đóng góp cho nền kinh tế khu vực phát triển tốt; hay các di tích, đền thờ, bằng mọi giá phải bảo vệ nó. Còn đối với những bờ sông rạch bình thường thì phải nói rõ và yêu cầu người dân lùi vào sâu bên trong, đừng cố gia cố, nấn ná ở lại vì sớm muộn cũng sẽ sạt lở.
Điều quan trọng thứ ba tôi cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp can thiệp bằng ngoại giao ngăn cho được việc các nước đang cố xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Họ càng xây thì ĐBSCL của chúng ta càng nhanh biến mất.
Tôi cho rằng, điều thứ ba này nằm ngoài tầm với của người dân, ngoài tầm của những nhà khoa học. Đừng để tiếng nói của người dân lẻ loi, đừng để tiếng nói của những người làm công tác khoa học như chúng tôi bị lạc lõng, đơn độc.
Nói như ông thì phải tiến hành cùng lúc các biện pháp?
- Không chỉ đối với Việt Nam, ĐBSCL còn có vai trò quốc tế lớn lắm, cung cấp biết bao nhiêu lương thực, thực phẩm cho các quốc gia. Chứng minh rõ nhất là đại dịch Covid-19, khi tất cả các nước đóng cửa, các hoạt động sản xuất nông nghiệp bị trì trệ, ĐBSCL của Việt Nam vẫn sản xuất ra mấy triệu tấn lúa gạo. Năm nay hạn hán xâm nhập mặn dữ dội, nhưng lượng gạo, lượng lúa ở ĐBSCL có thay đổi đâu. Điều đó để thấy rằng lương thực của ĐBSCL không chỉ phục vụ cho Việt Nam mà cho cả một phần thế giới. Phải vận dụng điều đó để tạo sức ép cho các nước ở đầu thượng nguồn. Chúng ta phải làm bằng nhiều cách, bằng ngoại giao, bằng liên lạc, thậm chí là bằng sự đánh đổi các thế mạnh với nhau.
Tôi vẫn phải nhấn mạnh lại, điều này ngoài tầm với của người dân, nên Nhà nước phải là vai trò chính. Nhìn chung cần thực hiện các nhiệm vụ phải song hành, đồng bộ, đó là giúp người dân nhận thức được nguy cơ không đổ tiền, đổ của vào việc cố bám trụ dọc bờ sông nữa; Chính quyền cũng vậy, không cố gắng chống chọi lại sạt lở bằng những cách làm như thời gian qua nữa mà phải can thiệp vào gốc rễ của vấn đề mới giải quyết được vấn nạn tại chỗ của người dân. Nếu cứ loay hoay giải quyết hậu quả mà không lo giải quyết nguyên nhân cốt lõi của vấn đề thì nguồn lực nào can thiệp cho nổi…
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dbscl-dang-giai-doan-nguy-co-sat-lo-rat-cao-490813.html