ĐBSCL: Dự báo xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), khả năng ở mức tương đương mùa khô năm 2020-2021 (không gay gắt như mùa khô 2019-2020, một số thời điểm có thể xấp xỉ mùa khô 2015-2016).

Tổng cục Thủy lợi cho biết, lũ trên dòng chính sông Mê Công có xu thế tăng mạnh vào hai giai đoạn nửa cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 9. Tuy nhiên, mực nước từ đầu mùa đến nay vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với TBNN và cùng kỳ các năm 2019, 2015 nhưng cao hơn năm 2020.

Dung tích Biển Hồ Campuchia là yếu tố quyết định đến sự điều tiết nước về ĐBSCL trong mùa khô. Dự báo, lượng nước cao nhất năm 2021 của Biển Hồ đạt khoảng 28-30 tỷ m3, thấp hơn TBNN khoảng 17-19 tỷ m3, thấp hơn năm 2020 khoảng 1-2,5 tỷ m3.

Ở đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 10. Tại Tân Châu dao động ở mức 2,8-3,2m, thấp hơn TBNN khoảng 0,5-0,9m; tại Châu Đốc dao động ở mức 2,6-2,9m, thấp hơn TBNN khoảng 0,4-0,6m.

Tại ĐBSCL, dự báo xâm nhập mặn (XNM) mùa khô năm 2021-2022 ở mức sớm và sâu hơn so với TBNN, khả năng ở mức tương đương mùa khô năm 2020-2021 (không gay gắt như năm 2019-2020, một số thời điểm có thể xấp xỉ năm 2015-2016).

Sầu riêng là một trong những cây ăn trái chủ lực ở ĐBSCL, loại cây này cũng rất mẫn cảm với nước mặn. Ảnh: Cảnh Kỳ

Sầu riêng là một trong những cây ăn trái chủ lực ở ĐBSCL, loại cây này cũng rất mẫn cảm với nước mặn. Ảnh: Cảnh Kỳ

43.000ha cây ăn trái có thể bị ảnh hưởng

Đối với vùng cây ăn trái, XNM có khả năng ảnh hưởng đến 4 tỉnh với tổng diện tích gần 43.300ha, gồm: Long An 3.100ha, Tiền Giang 21.800ha, Bến Tre 16.000ha, Sóc Trăng 3.400ha.

Các vùng này cần tích trữ nước tối đa vào các mương liếp, ao chứa và các dụng cụ chứa nước nhằm chủ động nguồn nước tưới khi xảy ra các đợt mặn xâm nhập sâu, nồng độ mặn trên hệ thống sông, kênh cao hơn sức chịu mặn của cây ăn trái…

Theo Tổng cục Thủy lợi, đến thời điểm hiện tại, còn khá sớm để dự báo chính xác XNM mùa khô 2021-2022, do nguồn nước về ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (mưa, khả năng tích trữ nước của các hồ chứa thượng nguồn).

Tuy nhiên, với khả năng dự báo lũ nhỏ, dòng chảy các tháng đầu mùa khô thấp có thể làm mặn xâm nhập sớm.

Theo Cục Trồng trọt, ước tổng diện tích cây ăn quả (25 loại) ở Nam Bộ năm 2021 là hơn 498,1 nghìn ha, tăng 29,3 nghìn ha so với năm 2020 và bằng 42,6% diện tích của cả nước (1,17 triệu ha). Trong đó, vùng ĐBSCL có 363,7 nghìn ha (tăng 19,2 nghìn ha so với năm 2020).

Ước sản lượng thu hoạch năm 2021 của 13 loại cây ăn quả chủ lực vùng Nam Bộ (xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, mít, bơ) là hơn 5,3 triệu tấn. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ gần 1,2 triệu tấn và ĐBSCL hơn 4,1 triệu tấn.

Tình hình dịch COVID-19 phức tạp tại các tỉnh Nam Bộ từ tháng 5 đến nay đã ảnh hưởng đến tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu. Giá bán một số cây ăn quả chính vụ có thời điểm rất thấp so với cùng kỳ năm trước, như thanh long ruột đỏ 3.000-5.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng 2.000-3.000 đồng/kg; nhãn Idor 8.000-10.000 đồng/kg, nhãn xuồng cơm vàng 10.000-15.000 đồng/kg (giảm khoảng 40-50% so với cùng kỳ); chôm chôm 6.000-7.000 đồng/kg (giảm khoảng 20-30%); sầu riêng 30.000-35.000 đồng/kg (giảm khoảng 20-30%)… Một số cây ăn quả ổn định được giá bán như mít, bưởi…

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dich-covid-19-phuc-tap-tai-cac-tinh-nam-bo-khien-gia-ban-trai-cay-chi-tu-2000-3000-dong-kg-post1381482.tpo