ĐBSCL: Hạn, mặn tiếp tục gây nhiều thiệt hại

Ngày 14-2, UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét và tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh 150 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình chống hạn, mặn.

Nếu được chấp thuận tỉnh sẽ bố trí gần 69 tỷ đồng nạo vét 123 tuyến kênh khơi thông dòng chảy đưa nước về phục vụ sản xuất. Trong đó, tập trung tại huyện Phước Long, Đông Hải, thị xã Giá Rai…

Đồng thời bố trí 70 tỷ đồng sửa chữa 5 cống, gồm: cống Cái Tràm, Cầu số 3, Chiệt Niêu (huyện Hòa Bình); cống Xóm Lung, cống phân ranh mặn ngọt (TX Giá Rai). Ngoài ra, cần khoảng 11 tỷ đồng để các địa phương đắp đập ngăn mặn, hỗ trợ bơm tát nước chống hạn cho nông dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng như ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra. Hàng ngàn hécta lúa đông xuân có nguy cơ thiệt hại do thiếu nước. Cụ thể, ở vùng sản xuất phía Bắc quốc lộ (QL) 1A, vụ lúa đông xuân năm nay sản xuất trên diện tích canh tác hơn 48.220ha và đến cuối tháng 4-2020 mới thu hoạch dứt điểm.

Do vậy, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, thiếu nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu đổ về Bạc Liêu qua trục Quản lộ - Phụng Hiệp, cộng thêm nhiệt độ cao làm gia tăng việc bốc hơi, xâm nhập mặn sớm sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nước ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu.

Theo đó, khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt gây chết lúa khoảng 5.400ha, gồm diện tích tập trung ở phía Tây trục kênh Vĩnh Phong và diện tích ven theo các cống thuộc tiểu vùng giữ ngọt. Riêng mô hình nuôi tôm trên đất lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất có nguy cơ bị thiệt hại 5.000ha (tập trung ở địa bàn TX Giá Rai và các xã phía Tây của huyện Phước Long).

Đối với vùng sản xuất phía Nam QL 1A tuy là vùng mặn, nhưng sẽ phải đương đầu với nạn khô hạn và thiếu nước ngọt. Do vậy, sẽ không đủ nguồn nước ngọt cấp vào các ao nuôi và kéo theo đó là độ mặn trong các ao nuôi có khả năng vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm. Dự báo có nguy cơ 4.000ha nuôi tôm bị thiệt hại.

Tại Sóc Trăng, theo Phòng NN-PTNT huyện Long Phú, vụ đông xuân muộn năm nay trên địa bàn huyện gieo sạ khoảng 3.700ha, diện tích này đã giảm nhiều so với hơn 15.000ha của năm ngoái. Tuy nhiên, do nhiều nông dân chủ quan trong việc nhận định tình hình, đến nay đã có hơn 1.500ha bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, thời gian tới diện tích bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục tăng.

* Nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm

Ngày 14-2, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 42.000ha rừng tràm và rừng tại các cụm đảo đang có nguy cơ cháy do ảnh hưởng của khô hạn. Cụ thể, hơn 3.000ha rừng được dự báo cháy ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); hơn 13.000ha ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và hơn 20.000ha rừng cảnh báo cháy ở cấp II, III.

Tại Bạc Liêu, nắng nóng gay gắt kéo dài trong nhiều ngày, cùng với mực nước trong các kênh mương xuống thấp khiến Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu ở TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) đang trong tình trạng cảnh báo cháy rừng cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu có tổng diện tích cả vùng lõi và vùng đệm khoảng 380ha, được công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia. Nơi đây có hơn 100 loài chim, cò... với lượng cá thể lên đến hơn 60.000 con, trong đó nhiều loài chim quý hiếm được ghi vào Sách đỏ thế giới.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dbscl-han-man-tiep-tuc-gay-nhieu-thiet-hai-645697.html