ĐBSCL: Khả năng xuất hiện nguồn nước ngọt giữa cao điểm hạn mặn

Ngày 28-2, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã phát đi bản tin dự báo nguồn nước ĐBSCL phục vụ chỉ đạo sản xuất và điều hành cấp nước vụ đông xuân năm 2019-2020.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định: Nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 2 thấp hơn so với trung bình và thấp hơn so với năm kiệt 2016.

Ngày 20-2, Trung Quốc tuyên bố xả nước trên sông Mê Công để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn, tuy nhiên đến nay đã sau tuyên bố 7 ngày, là nhiều hơn với thời gian nước từ Cảnh Hồng về đến Chiang Saen, nhưng vẫn chưa thấy có thay đổi gì. Thực tế vận hành của các đập thủy điện Trung Quốc năm nay đã chậm hơn nửa tháng so với cùng thời kỳ năm 2018-2019. Như vậy, việc xả nước sắp tới (nếu có) chỉ là theo kế hoạch của năm 2020. Hiện thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp. Chính vì vậy, dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 2.

Với đặc điểm nguồn nước như hiện nay, dự báo vùng thượng ĐBSCL (bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp; thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ) đầu nước thấp, khó khăn cho bơm tát ở các vị trí xa kênh trục. Vùng giữa ĐBSCL (bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), trong tuần mặn giảm hơn so với tuần trước. Các địa phương cần chủ động các biện pháp tích trữ nước, hút gạn khi triều xuống ở các vùng cách biển 45-55km, đề phòng mặn tăng cao từ ngày 7 đến 15-3. Vùng ven biển ĐBSCL (bao gồm các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) ứng phó với tình hình mặn lịch sử, chủ động các biện pháp chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt; chủ động tích nước trước khi mặn tăng cao hơn.

Tại Bến Tre, căn cứ nhận định trên, ngày 28-2, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông báo, thời gian xuất hiện nguồn nước ngọt theo dự báo là rất ngắn. Do đó, các cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt tăng cường theo dõi, quan trắc độ mặn trong thời gian trên. Kịp thời vận hành tích trữ tối đa nguồn nước vào hệ thống công trình khi độ mặn ở mức cho phép; tận dụng cơ hội, tranh thủ thời gian lấy, tích trữ tối đa khi có nguồn nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân; tuyên truyền, vận động nhân dân trong tỉnh theo dõi, kiểm tra độ mặn, tập trung tối đa phương tiện, bằng mọi hình thức để dự trữ khi có nguồn nước ngọt.

HÀM LUÔNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dbscl-kha-nang-xuat-hien-nguon-nuoc-ngot-giua-cao-diem-han-man-648306.html