ĐBSCL thúc đẩy kinh doanh thân thiện với môi trường

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Nằm trong khuôn khổ Hội thảo vùng Đồng bằng sông Cửu Long: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững”, ngày 31/7, tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) tiếp tục diễn ra phiên làm việc thứ 2 với chủ đề: “Thực tiễn tốt trong thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện với môi trường và gợi ý cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức.

Tại hội thảo, đại diện các tỉnh trình bày nhiều báo cáo tham luận về phát triển bền vững theo quy luật “thuận thiên”; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện; thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh thông qua thúc đẩy thực hành xanh trong doanh nghiệp; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - con đường nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững…

Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. Từ đó, đặt ra vấn đề giải quyết lượng phế phụ phẩm nhằm nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, chế biến, bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.

Đồng Tháp có nhiều doanh nghiệp chế biến phụ phẩm từ cá tra, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao như collagen, gelatin, dầu cá, bột cá, mỡ cá…; sự phát triển mạnh của ngành hàng chế biến sản phẩm sau gạo, trích ly tinh dầu cám gạo để sản xuất dầu gạo, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế. Tỉnh đã triển khai những mô hình vừa “thuận thiên”, vừa đảm bảo nền nông nghiệp tuần hoàn như: Mô hình lúa - cá - vịt, lúa - cá, lúa - tôm và mô hình đồng sen gắn với du lịch.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An khẳng định, việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh luôn gắn với các giải pháp bảo vệ môi trường. Đó là huy động, sử dụng hiệu quả những nguồn lực cho việc bảo vệ môi trường và các nhiệm vụ, hướng đến tăng trưởng xanh; điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng, kiểm kê khí nhà kính, xây dựng Đề án và lộ trình giảm khí thải carbon; tăng cường kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm…

Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham gia, trao đổi của nhiều doanh nghiệp đang triển khai “xanh hóa” hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiến sỹ Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Shinec cho biết, công ty đã xây dựng mô hình Khu công nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn tại Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng). Khu công nghiệp này có nhà máy xử lý nước thải, công nghệ xử lý vi sinh với công suất 2.000 m3/ngày đêm; 25% lượng nước thải sau xử lý được tái sử dụng vào việc tưới cây, rửa đường; 65% hệ sinh thái trong khu công nghiệp phục hồi sau khi áp dụng mô hình nói trên.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec, chia sẻ về mô hình khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec, chia sẻ về mô hình khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tiến sỹ Phạm Hồng Điệp đánh giá, từ góc độ cạnh tranh công nghiệp, khu công nghiệp sinh thái mang lại cho các nhà đầu tư thứ cấp nhiều lợi thế hơn. Đó là cung cấp môi trường kinh doanh được cải thiện và năng động; giảm chi phí vận hành và cải thiện hiệu quả, năng suất quy trình; giảm rủi ro tiếp xúc với sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên; nâng cao khả năng cạnh tranh kinh doanh…

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết. Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực

Đồng bằng sông Cửu Long

nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng này. Do đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh đồng thời với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Những năm qua, VCCI triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp và thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Nhựt An/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dbscl-thuc-day-kinh-doanh-than-thien-voi-moi-truong/342214.html