ĐBSCL: Triển khai nhiều giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển

Nhiều địa phương ven biển ÐBSCL đang nỗ lực phòng chống sạt lở bằng nhiều giải pháp như kè kiên cố khu vực xung yếu, nơi quan trọng; kè bê tông ly tâm để tạo bãi bồi trồng lại rừng; các loại kè chắn sóng…

Khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cho thấy, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có chiều dài bờ biển khoảng 744km, thì hiện nay có hơn 268km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Các nhà chuyên môn lưu ý, bờ biển ÐBSCL đang chịu nhiều áp lực trước sự thay đổi của tự nhiên và hoạt động của con người.

Cụ thể, tình trạng sạt lở ngày càng tăng, bởi nguồn phù sa từ thượng nguồn suy giảm làm ảnh hưởng đến quá trình bồi lắng của đồng bằng; hệ sinh thái ven bờ biển và rừng ngập mặn ven biển đang bị mất dần, cùng với đó là hiện tượng nước biển dâng và sụp lún, xâm nhập mặn… tác động ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, sạt lở bờ biển gia tăng đã làm mất đi nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản; mất nhà cửa, tài sản, sinh kế của người dân… tác động không nhỏ đến đời sống và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương ven biển.

Tại khu vực biển xã Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, khu vực biển này thường xuyên chịu tác động mạnh của triều cường, nước biển dâng, đặc biệt là vào mùa gió chướng.

Sạt lở bờ biển ở xã Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) ngày càng phức tạp, đe dọa tính mạng nhiều hộ dân.

Sạt lở bờ biển ở xã Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) ngày càng phức tạp, đe dọa tính mạng nhiều hộ dân.

Chính vì vậy, vài năm gần đây đã có khoảng 3km chiều dài ven biển bị nước biển xâm thực làm mất hơn 210ha đất sản xuất rau màu và đất rừng phòng hộ. Mới nhất là đợt triều cường hồi tháng 1-2023, kết hợp với sóng lớn làm nước biển dâng cao tràn vào đất liền, gây thiệt hại nhiều nhà dân và sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, nhiều hộ dân ở khu vực biển xã Ðông Hải cho hay, đến nay ngành chức năng chưa công bố chính thức nguyên nhân gây sạt lở ngày càng phức tạp, song theo quan sát của bà con sống lâu năm thì những tác động của biến đổi khí hậu là khá rõ. Ngoài ra, khoảng 4 năm nay khi các đơn vị chuyên môn triển khai thi công kè bê tông ly tâm dài hơn 1,1km tại xã Ðông Hải, do chưa hoàn thiện nên dòng chảy từ biển có thể thay đổi, đưa nước biển xoáy mạnh vào bờ nhiều hơn trước.

Theo ông Lữ Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Ðông Hải, trước mắt xã đang phối hợp với các ngành chức năng huyện Duyên Hải và tỉnh Trà Vinh, khẩn trương đầu tư xây dựng khu tái định cư nhằm di dời khẩn cấp cho 56 hộ đang rất nguy hiểm đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. Vị trí đất đã có và các đơn vị đang triển khai thực hiện cố gắng hoàn thành càng sớm càng tốt.

Song song đó, lập phương án di dời 110 hộ khác có nhà cặp ven biển, nguy cơ mất an toàn, cần phải di dời theo lộ trình trong thời gian tới. Kiến nghị cấp trên xem xét đầu tư khẩn cấp tuyến bờ bao khu vực 2 ấp Ðông Thành và Hồ Thùng với chiều dài khoảng 3km, để ngăn triều cường, ngăn nước biển tràn vào nhằm bảo vệ hơn 300ha đất sản xuất của trên 400 hộ dân có nguy cơ bị thiệt hại.

Ngoài ra, ngành chuyên môn cần sớm hoàn thiện dự án kè bê tông ly tâm kết hợp trồng rừng tạo bãi bồi ven biển trên địa bàn xã; sớm nghiên cứu dòng chảy từ biển vào khu vực này có thay đổi không nhằm đưa ra những giải pháp ứng phó phù hợp, giảm thiểu sạt lở…

Tương tự, tại Bạc Liêu, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập hành lang an toàn, lắp đặt biển báo ở khu vực sạt lở ven biển để ngăn người, phương tiện vào khu vực sạt lở.

Đồng thời, theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý; phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân đắp đất, bao cát ngăn chặn nước biển tràn vào nhà dân.

Ngoài ra, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong vùng ảnh hưởng sạt lở…

Yến Thanh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/dbscl-trien-khai-nhieu-giai-phap-phong-chong-sat-lo-bo-bien-77243.html