DDCI: Chuyển biến sau tiếng nói thẳng thắn từ cộng đồng doanh nghiệp
DDCI (Department and District Competitiveness Index) là bộ chỉ số được xây dựng trên cơ sở Bộ Chỉ số PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) xây dựng. Được đánh giá với nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến năng lực điều hành kinh tế của các sở, ngành, địa phương - những cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với các cơ sở sản xuất, DDCI đang là một trong những hướng đi mới để cùng với Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) nâng cao năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh. Thực tế, sau khi được đưa lên 'bàn cân' để 'chấm điểm', các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã có những thay đổi tích cực để xây dựng bộ máy năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn thuộc Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa làm nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện cập Cảng Nghi Sơn.
Theo VCCI, DDCI sẽ cho thấy chính quyền cấp cơ sở “ứng xử” với doanh nghiệp (DN) như thế nào? Thậm chí qua đó có thể so sánh về tính hiệu quả của bộ máy giữa “sở này với sở kia”, “huyện này với huyện kia” trong cùng 1 tỉnh. Từ đó, đơn vị nào hỗ trợ tốt hay thờ ơ, cán bộ vòi vĩnh sẽ được phản ánh, định lượng bằng điểm số. Qua kết quả này, bản thân mỗi sở, ngành, địa phương sẽ phải có giải pháp điều chỉnh về “thái độ” phục vụ DN, phấn đấu để ngày càng tạo lập được môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Năm 2023 là năm thứ 2 tỉnh Thanh Hóa thực hiện khảo sát và công bố DDCI. Mặc dù không sớm so với các địa phương trên cả nước, nhưng việc quyết tâm thực hiện chỉ số này đã minh chứng cho tinh thần cầu thị thực sự của tỉnh trong nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành ở lĩnh vực kinh tế tư nhân. Kết quả của Bộ Chỉ số DDCI từ năm đầu tiên đã tạo sức nóng, động lực thi đua để tăng về điểm số, tranh đua về thứ hạng tại 25 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc VCCI - Chi nhánh Thanh Hóa cho biết: “So sánh kết quả, thì Bộ chỉ số năm 2022 có tới trên 80% các mốc điểm đã được cải thiện so với 2021. Trong đó, điểm trung vị khối các huyện, thị xã, thành phố năm 2022 là 67,19 điểm, cao hơn 3,63 điểm so với điểm trung vị năm 2021 (63,56 điểm). Khối các huyện, thị xã, thành phố cũng có 14/27 đơn vị có sự cải thiện điểm số, trong đó ba đơn vị có mức độ cải thiện ấn tượng nhất là huyện Quảng Xương, huyện Vĩnh Lộc và huyện Bá Thước. Các đơn vị này có điểm số tăng tới 23 - 24 điểm so với năm 2021. Sự tăng điểm số trung vị này hàm ý chất lượng điều hành chung của các sở, ngành và địa phương theo đánh giá của cộng đồng DN tỉnh là có cải thiện rõ rệt. Đáng chú ý, các điểm số trung vị thành phần có tính chất liên quan trực tiếp tới công tác điều hành, hỗ trợ, giải quyết thủ tục hành chính của DN như chi phí không chính thức, chi phí thời gian đều tăng điểm mạnh. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp chỉ số tính năng động và vai trò người đứng đầu đạt điểm trung vị cao nhất. Điều này cho thấy “thước đo” DDCI đã đặt các đơn vị được đánh giá vào tâm thế phải thường trực nỗ lực và kiến tạo vì điểm số chung và vị trí thứ hạng”.
Thực tế, từ sau năm thứ hai chỉ số DDCI được công bố, động thái của nhiều sở, ngành, đơn vị đã quyết liệt và rõ ràng hơn sau khi “nóng mặt” vì thứ hạng thấp hay chưa đạt kỳ vọng. Ngay sau khi kết quả được DDCI công bố vào cuối tháng 4, ngay trong tháng 5 và 6, nhiều sở, ngành, địa phương như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Yên Định... đã thực hiện công bố chi tiết Bộ chỉ số của đơn vị mình tới toàn thể Nhân dân, cán bộ, công chức, người lao động trong ngành, trong huyện.
Điển hình như tại Sở Tài nguyên và Môi trường, là 1 trong những sở thực hiện nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đặc biệt trong bối cảnh các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai chồng chéo với nhiều bộ luật khác và đang trong lộ trình điều chỉnh, việc thực hiện nhiệm vụ của ngành thực tế gặp không ít khó khăn. Năm 2022, đây là đơn vị duy nhất khối sở, ngành bị đánh giá chất lượng điều hành chưa tốt. Mới đây, đơn vị đã tổ chức hội nghị với sự tham gia của VCCI Thanh Hóa nhằm phổ biến nội dung về thực hiện Bộ chỉ số DDCI; thông tin chi tiết về chỉ số thành phần DDCI Sở Tài nguyên và Môi trường; phân tích các chỉ số thành phần làm nên kết quả chung chỉ số DDCI của sở. Từ nhận diện các nguyên nhân, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và thông qua kế hoạch hành động, thành lập ban chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của sở và đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao điểm số, cải thiện thứ hạng Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh năm 2023.
Sản xuất gạch men công nghệ cao tại Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza, KCN Lễ Môn, TP Thanh Hóa.
Sự “xáo trộn” về thứ hạng cũng đã đặt các đơn vị được đánh giá luôn trong tư thế thường trực cải cách và nỗ lực không ngừng. Huyện Thọ Xuân, Sở Công Thương, Cục Hải Quan... là những đơn vị liên tục được xếp trong “top” có năng lực điều hành tốt trong 2 năm công bố DDCI. Tuy nhiên, không vì “hào quang” của vị trí đứng đầu, các đơn vị này đã tiếp tục đề ra những giải pháp hữu hiệu hơn nhằm tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, không phụ lòng tin của DN và người dân. Điển hình như tại Cục Hải quan, liên tiếp xếp vị trí thứ hai và thứ nhất trong 2 năm 2021, 2022, với lần lượt 77,78 và 85,10/100 điểm. Không “tự mãn” với thành tích đạt được, đơn vị này đang tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi tối đa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời, đúng quy định của pháp luật về mặt thủ tục hải quan; trong đó, thực hiện rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, thúc đẩy mối quan hệ đối tác hải quan - DN ngày càng phát triển, giải quyết kịp thời và hiệu quả nhu cầu công việc, đáp ứng sự hài lòng và xây dựng lòng tin của DN vào nỗ lực của cơ quan Nhà nước trong kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo VCCI Thanh Hóa, mặc dù, trong đánh giá DDCI hay thậm chí PCI, mỗi một DN sẽ có cách tiếp cận, nhìn nhận, đánh giá dưới một góc độ khác nhau, cũng như số lượng DN, HTX, hộ cá thể chỉ mang tính đại diện, nên dẫn đến sẽ cho ra những kết quả đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, điểm số DDCI đã cơ bản phản ánh được sự đánh giá của cộng đồng DN về thực thi nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Từ đó, Bộ chỉ số DDCI sẽ có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi, cải cách, để các cơ quan quản lý Nhà nước tự nhìn nhận lại và hoàn thiện mình trong các năm tiếp theo.
Thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tăng điểm 7 chỉ số thành phần DDCI
Liên tục được xếp trong “top” có năng lực điều hành tốt, đó là vinh dự, niềm tự hào của đơn vị sau những nỗ lực cải cách trong thực thi nhiệm vụ liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để tiếp tục giữ vững thứ hạng, đáp ứng kỳ vọng, niềm tin của DN, Sở Công Thương Thanh Hóa sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị liên quan trong ngành thực hiện tốt 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mục tiêu tăng điểm các chỉ số thành phần, tiến tới tăng điểm số DDCI chung của ngành trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Thứ nhất: Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính trên tất cả các nội dung nhằm nâng cao các chỉ số về “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin”, “Chi phí thời gian”; thường xuyên quán triệt thực hiện tốt phương châm “4 tăng, 2 giảm, 3 không”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan.
Thứ hai: Tăng cường thời gian làm việc với cơ sở, DN để nắm bắt tình hình kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý công việc nhằm nâng cao các chỉ số về “Tính năng động và vai trò của người đứng đầu”, “Cạnh tranh bình đẳng” và “Hỗ trợ DN”.
Thứ ba: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong thực thi công vụ nhằm nâng cao chỉ số về “Chi phí không chính thức”; tập trung kiểm tra tác phong, lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức nhằm phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Thứ tư: Tiếp tục tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước về công thương nhằm nâng cao chỉ số về “Thiết chế pháp lý”. Quá trình tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đều phải được thực hiện đầy đủ các quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định, công khai lấy ý kiến đánh giá tác động của chính sách đối với các tổ chức, cá nhân và DN có liên quan.
Phạm Bá Oai
Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa
Góp phần đẩy lùi căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm
Thực tế, trong thời gian gần đây, ở một số sở, ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm. Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở đến tiến trình đầu tư, hoạt động sản xuất và làm suy giảm niềm tin của DN đối với cơ quan Nhà nước. Do đó, việc đánh giá DDCI trong bối cảnh hiện là một giải pháp hữu hiệu hiện nay để “đo” mức độ hoàn thành công việc, góp phần đẩy lùi căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm hiện nay.
Qua 2 năm đánh giá DDCI, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cộng đồng DN mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm xây dựng các giải pháp để phát huy các chỉ số thành phần có điểm số tốt; khắc phục, cải thiện các chỉ số thành phần thấp điểm; tạo lập môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, nhất là trước sự phát triển của chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh; tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết; rút ngắn thời gian xử lý công việc; cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc; kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu chung, lợi ích và sự phát triển chung.
Cao Tiến Đoan
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa
DDCI giúp chính quyền ngày càng năng động hơn
Qua 2 năm triển khai cho thấy việc đánh giá DDCI được VCCI thực hiện rất chính xác, công tâm và khoa học, dựa theo các chuẩn mực với nguồn dữ liệu độc lập và có tính liên tục, dài hạn để có thể nhận diện được mức độ cải thiện theo thời gian.
Thông qua công cụ này, cộng đồng DN trẻ được bày tỏ cảm nhận về sự đồng hành của sở, ngành, địa phương đang trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính với DN. Kết quả này sẽ là cơ sở để các đơn vị rút kinh nghiệm, tự đổi mới, tự nâng cao năng lực để thay đổi chỉ số, thay đổi cách quản lý, lãnh đạo và chú trọng lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN, các nhà đầu tư hơn, hướng tới ngày càng chủ động, năng động hơn.
Tuy nhiên, để thúc đẩy gia nhập thị trường và mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới, DN cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách và những cải cách đột phá về thủ tục hành chính. Do đó, cộng đồng DN trẻ mong muốn trong năm 2023 và các năm tiếp theo, chỉ số DDCI tiếp tục được các sở, ngành, địa phương chú trọng cải thiện hơn nữa; cơ quan chủ trì cũng cần tiếp tục nghiên cứu, chuẩn hóa bộ chỉ số DDCI để phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh thời đại 4.0 cũng như dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi nhiều phương thức hoạt động của DN.
Bùi Tiến Thành
Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Thanh Hóa
Đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của quá trình quản lý, điều hành
Qua cách triển khai đánh giá DDCI của tỉnh Thanh Hóa, VCCI rất ấn tượng với tinh thần chỉ đạo nâng cao chất lượng thực thi công việc của bộ máy chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Thực tế, việc tăng điểm trung vị ở cả 2 nhóm đánh giá đã minh chứng cho chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền đã được cải thiện. Các sở, ngành, địa phương đã và đang đặt DN vào vị trí trung tâm của quá trình quản lý, điều hành. Thực tế, nếu đánh giá về việc ban hành, mức độ cởi mở của chính sách trên văn bản hành chính và chỉ đạo của cấp trên thì địa phương nào cũng “hô hào” nhiều cơ chế, chính sách tốt. Tuy nhiên cái khó là việc chuyển tinh thần chỉ đạo xuống bộ máy hành chính các cấp, từ sở, ngành, địa phương tới các phòng, ban, từng công chức, viên chức. Đó chính là khoảng cách giữa chính sách và thực thi. DDCI sẽ trao quyền cho DN thực hiện nhiệm vụ ấy.
Để cải thiện chỉ số DDCI trong những năm tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa cần tạo sự lan tỏa truyền thông mạnh mẽ về DDCI của tỉnh như là một điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; giúp cộng đồng DN tích cực nghiên cứu các nội dung, nội hàm và ý nghĩa của Chỉ số DDCI nhằm nâng cao nhận thức, tích cực tham gia đánh giá chỉ số này một cách khách quan bởi đây là cơ hội để các DN nói lên cảm nhận của mình, từ đó tạo chuyển biến tốt trong hệ thống chính quyền các cấp về nhận thức và năng lực phục vụ DN. Các đơn vị được đánh giá cần tổ chức các sự kiện như hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến từ DN và chuyên gia, phân tích chuyên sâu những ưu, nhược điểm của từng chỉ số thành phần DDCI trong đơn vị mình, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể cải thiện hơn trong thời gian tới. Cùng với đó, tỉnh cần tăng cường hoạt động đối thoại và công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và DN.
Đậu Anh Tuấn
Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI