Đề án 06: Tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến
Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; hạn chế tiêu cực, 'tham nhũng vặt'; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Chiều 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố.
Cùng tham dự Hội nghị có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06; lãnh đạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo một số doanh nghiệp nhà nước; thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;...
Tại điểm cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị.
Nhiều kết quả tích cực trong triển khai Đề án 06
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Đây là một đề án có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao, bởi vì chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả. Có thể nói, một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06.
Hai năm thực hiện Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, "tham nhũng vặt"; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đến năm 2025, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai"… Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá thực chất tình hình, trung thực, khách quan những kết quả đạt được trong 2 năm qua; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương; thẳng thắn chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện; đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã trình bày Báo cáo đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06.
Theo đó, qua 2 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 nỗ lực hoàn thiện thể chế, tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến với 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án số 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6,8 triệu tài khoản đăng ký, hơn 119 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 29 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, hơn 20,3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 7.113 tỷ đồng.
Đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; công khai hơn 6,3 nghìn thủ tục hành chính, trong đó đã tích hợp, cung cấp 4.591 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 11,2 triệu tài khoản (tăng hơn 2,73 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành); hơn 269,1 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành); hơn 35,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 9.513 tỷ đồng (tăng hơn 2,58 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành)…
Dưới sự điều hành của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã phát biểu về tình hình triển khai thực hiện Đề án 06. Cùng với đó, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được lãnh đạo các bộ, đơn vị, địa phương đề xuất với Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Chia sẻ về các điểm nghẽn trong quá trình triển khai Đề án 06, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ ra hai vấn đề. Thứ nhất, hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu các ngành có sự khác biệt chưa đồng bộ, thiếu nhất quán theo quy chuẩn. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng nhân sự tham gia triển khai đề án chưa đáp ứng khối lượng rất lớn các hồ sơ tại TPHCM. Thứ hai, việc liên thông, chia sẻ dữ liệu từ Trung ương về TP đối với 53 dịch vụ công thiết yếu chưa thông suốt hoàn toàn.
Để giải tỏa 2 điểm nghẽn này, TPHCM đã chủ động rà soát các nhà mạng, quy phạm pháp luật, tái cấu trúc quy định nội bộ. Tính đến tháng 11/2023, TP đã cung cấp 546 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 289 dịch vụ công trực tuyến một phần trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của địa phương.
TP đã bố trí 12.877 nhân sự các cấp, tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức. Điều này giúp địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng. Bên cạnh đó, bố trí kinh phí 39 tỷ, trang bị 1.089 máy tính, 340 máy tin, 337 máy scan để phục vụ công việc. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, đảm bảo an toàn an ninh hệ thống, tích hợp chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin quốc gia, triển khai quy trình số hóa và lưu trữ kho hồ sơ theo định danh cá nhân, thường xuyên kiểm tra và giải quyết các vướng mắc kịp thời.
“Chúng tôi nhận thấy cần tập trung chỉ đạo theo hướng rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, xác định trách nhiệm của người đứng đầu. Kịp thời phát hiện các vướng mắc, giải quyết ở cấp mình và phối hợp với các cơ quan cấp trên. Tập trung truyền thông, nâng cao ý thức gắn với việc trang bị tập huấn”, ông Mãi phát biểu.
Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, thời gian tới, TP tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai, tăng cường thực hiện tái cấu trúc, quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền trên hệ thống.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và những tiện ích thiết thực của đề án 06, vận động người dân đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VnEID. Thứ tư, tham mưu HĐND TP ban hành chính sách miễn lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến của TP. Cuối cùng, tiếp tục nghiên cứu thực hiện có hiệu quả 35 mô hình điểm của đề án 06, 53 thủ tục dịch vụ công thiết yếu.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định vai trò thường trực, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Tổ Công tác triển khai Đề án 06, các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở bám sát ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhấn mạnh những kết quả của Bộ Công an, các bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá việc Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tham mưu với Chính phủ, Bộ Chính trị phê duyệt chủ trương Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia có ý nghĩa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới.
Về những định hướng thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất, nhấn mạnh 3 nội dung, cụ thể, cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác số hóa các giấy tờ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân gắn với điều chỉnh các quy trình nghiệp vụ để ứng dụng dữ liệu điện tử, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vấn đề trọng tâm, cấp bách để phục vụ xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an sinh xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.
“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp để khẩn trương hoàn thành xác thực tài khoản ngân hàng với dữ liệu dân cư, định danh điện tử; triển khai các giải pháp cho vay tín chấp tiêu dùng dựa trên dữ liệu dân cư để hạn chế “tín dụng đen”. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm triển khai chi trả các chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 100% đối tượng. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp sớm hoàn thành xác thực thuê bao di động, loại bỏ các SIM rác; đồng thời, triển khai giải pháp định danh tài khoản trên không gian mạng. Làm tốt vấn đề này, chúng ta sẽ góp phần làm giảm tội phạm công nghệ cao, nhất là lừa đảo qua không gian mạng đang rất phức tạp hiện nay” - Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử để phục vụ nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; đẩy nhanh hơn nữa việc tạo lập dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Khẳng định dữ liệu như là “trái tim”, là “chìa khóa”, hạ tầng công nghệ phải được xác định là yếu tố then chốt để thực hiện thành công Đề án 06, góp phần chuyển đổi số, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá trong 2 năm vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực hoàn thiện hạ tầng, công nghệ và dữ liệu. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, dưới sự hỗ trợ của Bộ Công an, các đoàn thể cũng đã tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực của mình. Trong thời gian tới, cần quyết liệt hơn nữa trong xây dựng và tạo lập dữ liệu; đồng thời, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông suốt; đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu khi triển khai kết nối. Theo Bộ trưởng Tô Lâm: “Đây là vấn đề tiên quyết khi triển khai các kết nối, chưa an toàn thì dứt khoát chưa kết nối, chia sẻ”.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các cơ sở dữ liệu để có phương án sử dụng hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia, bảo đảm tập trung, an ninh, an toàn và kết nối, chia sẻ phục vụ các nhiệm vụ chung của Chính phủ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
“Việc triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn”
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, kết quả đạt được thời gian qua cho thấy việc triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn, đã mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương và hoạt động kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp; qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, quản trị thông minh, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng CAND, sự quyết liệt, sâu sát của Bộ trưởng Tô Lâm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra còn nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức rõ để khắc phục thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ gợi ý chủ đề của năm 2024 là: “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”. Thủ tướng đề nghị nhằm bảo đảm triển khai Đề án 06 thuận lợi thì không được để “vùng lõm” về sóng và điện; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan thực hiện tốt công tác bảo đảm hạ tầng này.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, phải quyết tâm cao hơn nữa, xác định quyết tâm chỉ đạo quyết liệt trong triển khai Đề án 06, tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp bách từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Về chi trả an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND 12 địa phương (Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đắk Lắk, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Trị, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc) sớm triển khai chi trả chế độ an sinh xã hội qua hình thức không dùng tiền mặt theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Về tiếp cận tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an triển khai giải pháp chấm điểm khả tín để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, hiệu quả; triển khai thí điểm tại Ngân hàng Vietcombank trước 15/1/2024. Các bộ, ngành khẩn trương, tập trung giải quyết 10 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình Đề án 06 và 17 nhiệm vụ chậm tiến độ theo các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 1/2024. Bộ Tư pháp đề xuất các phương án xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo 19 Nghị quyết của Chính phủ, báo cáo trước 31/12/2023.
Thủ tướng giao UBND 15 địa phương (An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Hải Phòng, Kiên Giang, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Trà Vinh) trình HĐND cùng cấp có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, hoàn thành trước tháng 6/2024.
Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, hoàn thành trong năm 2024; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm đúng mục đích, chống lộ lọt dữ liệu, hoàn thành trong Quý II/2024. Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện các quy định liên quan; nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn mới về dữ liệu và hướng dẫn việc tổ chức tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu, hoàn thành trong Quý I/2024; nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
“Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế giám sát theo dõi, đánh giá việc triển khai Đề án 06 để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương liên quan bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai hiệu quả Đề án 06 cho năm 2024 và các năm tiếp theo” - Thủ tướng nhấn mạnh.