Đề án 06 và hành trình ý nghĩa xây dựng ngân hàng ADN
Dịp 27/7 - Ngày Thương binh-, Liệt sĩ vừa qua, cụ thể hóa một trong những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương công bố triển khai thu mẫu ADN, xây dựng 'Ngân hàng ADN' cho thân nhân, hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Kết quả trên không chỉ thể hiện những thành tựu, 'điểm sáng' lớn lao của Đề án 06 trong chuyển đổi số mà còn có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc khi góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
Mục đích mang ý nghĩa cao cả
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định gen (ADN) cho khoảng 20.000 mẫu, ngày 23/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành ấn nút kích hoạt, ra mắt “Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ”.
Gặp Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ sau sự kiện trên, khi nhắc đến câu chuyện “Ngân hàng ADN”, Đại tá Vũ Văn Tấn vẫn chưa hết bồi hồi, xúc động cho biết: Ngày Thương binh - Liệt sĩ là ngày toàn dân tộc tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do và chủ quyền của Tổ quốc. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.
Đất nước đã thống nhất được gần 50 năm, nhưng theo thống kê hiện nay vẫn còn khoảng 500.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính, trong đó 200.000 hài cốt chưa quy tập và 300.000 hài cốt đã an táng nhưng thiếu thông tin. Đây là nỗi day dứt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trong khi đó, thời gian và điều kiện môi trường khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết không ủng hộ cho quá trình tìm kiếm và xác minh; nhiều gia đình, thân nhân của các liệt sĩ cũng không còn. Điều này đòi hỏi công cuộc “trả danh tính - nối người thân” như chạy đua với thời gian, phải được triển khai gấp rút hơn nữa. Chính vì lẽ đó, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là công việc, nhiệm vụ hết sức nhân văn, nhân ái và thể hiện lòng biết ơn, ân nghĩa, ân tình sâu đậm với các thế hệ đi trước, với những người đã hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất non sông, vì hạnh phúc của nhân dân.
Hiện nay, việc thực hiện triển khai phân tích thông tin ADN cho liệt sĩ còn thiếu thông tin và thân nhân còn nhiều hạn chế, khó khăn như: thiếu kinh phí thực hiện xét nghiệm gen quy mô lớn, vướng nhiều thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thực hiện, và thiếu nguồn nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực phân tích dữ liệu gen. Hiện nay mới chỉ giám định ADN cho trên 19.000 là hài cốt liệt sĩ và khoảng 5.000 nhân thân liệt sĩ nên mới chỉ xác định được thông tin nhân thân khoảng 1.000 hài cốt liệt sĩ.
Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an đang triển khai dự án triển khai Luật Căn cước, trong đó, xây dựng Cơ sở dữ liệu Căn cước có dữ liệu thông tin ADN nhằm phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Bộ Công an đã đề xuất chính phủ về chủ trương thực hiện phân tích thông tin ADN cho toàn bộ thân nhân liệt sĩ chưa xác định thông tin để tạo lập kho dữ liệu lớn về ADN của thân nhân liệt sĩ để đối sánh, tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định thông tin (dự kiến thực hiện mỗi gia đình là 2 mẫu với tổng thân nhân khoảng 1 triệu mẫu). Với kho dữ liệu phổ quát này chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng việc tìm kiếm và xác minh thân nhân sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Đây sẽ là cơ hội để gia đình các anh hùng, liệt sĩ có thể tìm thấy được các anh.
“Để thực hiện được mục tiêu trên không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn cần sự quan tâm, hỗ trợ đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp trong và ngoài nước chung tay đóng góp. Truyền thống đoàn kết của dân tộc, sức mạnh của dân tộc Việt Nam càng được nhân lên vững chắc từ những hành động ý nghĩa này”- Đại tá Vũ Văn Tấn xúc động cho biết. Còn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc ra mắt “Ngân hàng gen” đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân, gia đình liệt sĩ.
“Bệ đỡ” dữ liệu từ Đề án 06
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết, thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an ngày 17/7/2024 về triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính, ngày 23/7/2024, trên nền tảng, “bệ đỡ” của Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ và đại diện các ban, bộ, ngành và thân nhân gia đình liệt sĩ đã bấm nút kích hoạt triển khai chương trình.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, để đảm bảo công tác triển khai kế hoạch, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan ban hành những nội dung cụ thể trong việc rà soát thân nhân liệt sĩ chưa xác định thông tin như: Xác định các thân nhân theo mức độ ưu tiên gần kề. Với nội dung này sẽ tiếp cận ngân hàng gen ở các đầu mối như: Mẹ đẻ liệt sĩ; Mẹ đẻ của mẹ đẻ (bà ngoại ruột) của liệt sĩ; Anh chị em cùng mẹ đẻ với liệt sĩ; Bác, cậu, dì là anh, chị, em ruột của mẹ liệt sĩ (cùng mẹ đẻ); Anh, em, con của chị gái, em gái mẹ đẻ liệt sĩ; Con của chị gái, em gái của liệt sĩ để thực hiện thu mẫu thông qua người hưởng trợ cấp hàng tháng của liệt sĩ.
Hiện, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã gửi mẫu phiếu thu thập thông tin và hướng dẫn quy trình, phần mềm thực hiện đồng bộ thực hiện sau ngày 27/7/2024. Riêng đối với Công an tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, đã thực hiện thu mẫu trước ngày 27/7/2024 cho thân nhân liệt sĩ và tri ân nhân ngày 27/7/2024.
Thông tin về công tác triển khai xây dựng “Ngân hàng ADN”, Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hà Nội cho biết: Luật Căn cước quy định cụ thể về việc “thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu Căn cước” liên quan đến thông tin AND.
Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu Căn cước phục vụ triển khai luật, trong đó đảm bảo lưu trữ dữ liệu sinh trắc học AND của công dân khi công dân tự nguyện cung cấp. Đối với dữ liệu AND (mtADN) của công dân là thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin, Bộ Công an sẽ thực hiện lưu trữ tập trung tại Cơ sở dữ liệu Căn cước để đối sánh, xác minh, tìm kiếm thông tin liệt sĩ đảm bảo khai thác dữ liệu công dân đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm.
Để sẵn sàng tích hợp dữ liệu thông tin ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân với Cơ sở dữ liệu Căn cước nhằm phục vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an và một số đơn vị có liên quan thực hiện thu nhận mẫu AND đối với thân nhân gia đình 15 liệt sĩ chưa xác định được danh tính (mỗi gia đình liệt sĩ thu nhận 2 mẫu của thân nhân) để tri ân các gia đình thân nhân liệt sĩ. Những kết quả, thông tin từ việc thu thập mẫu sẽ được gửi đến “Ngân hàng ADN” nhằm phục vụ cho việc xác định danh tính của các liệt sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh của thân nhân các gia đình liệt sĩ trên khắp mọi miền của Tổ quốc.