Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao: Những tín hiệu tích cực

Sau hơn 1 tháng sau lễ khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trở lại nơi đây và ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực.

Cánh đồng thí điểm mô hình đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã Thuận Tiến sau 35 ngày gieo sạ (Ảnh nhỏ: Giám đốc HTX Thuận Tiến kiểm tra lúa). Ảnh: Thanh Tiến.

Cánh đồng thí điểm mô hình đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã Thuận Tiến sau 35 ngày gieo sạ (Ảnh nhỏ: Giám đốc HTX Thuận Tiến kiểm tra lúa). Ảnh: Thanh Tiến.

Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã lựa chọn 5 mô hình thí điểm tại Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang. Đây là những địa phương đại diện cho những vùng phù sa, phèn mặn, nước mặn để làm mô hình điểm bắt đầu ngay từ vụ Hè Thu năm 2024. Sau đó, kết quả của các mô hình thí điểm sẽ là cơ sở nhân rộng cho Đề án.

Sau hơn 1 tháng gieo sạ chưa phải thêm phân thuốc

Hợp tác xã (HTX) Thuận Tiến (ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) là nơi tiên phong thực hiện trong 5 mô hình thí điểm. Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Thuận Tiến cho biết, mô hình thí điểm của Đề án thực hiện tại HTX có diện tích 50ha. Hiện cây lúa phát triển rất tốt, từ lúc gieo sạ đến nay, nông dân chưa phải bón thêm phân thuốc.

“Sau 35 ngày, cây lúa phát triển rất tốt. Ngoài phân được vùi trong đất lúc gieo sạ, chúng tôi chưa phải sử dụng thêm phân, thuốc. Trong khi, nếu trồng theo bình thường, đến thời điểm này chúng tôi phải tốn phân thuốc đến 2,3 lần rồi” - ông Khải phấn khởi chia sẻ và cho biết thêm, để thực hiện theo tiêu chuẩn của Đề án thì nông dân phải sản xuất theo một số tiêu chí như: sử dụng giống xác nhận, giảm lượng lúa giống gieo sạ; áp dụng quản lý nước ngập khô xen kẽ, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân... Đặc biệt là phải đưa rơm rạ ra khỏi cánh đồng, không chôn vùi rơm rạ xuống ruộng để giảm phát thải.

“Theo đề án thì gieo sạ chỉ khoảng 60kg lúa giống/ha, trong khi trước giờ nông dân gieo sạ từ 120kg lúa giống/ha. Giảm lượng giống xuống quá nhiều, nhiều nông dân còn băn khoăn vì sợ giảm năng suất lúa. Tuy nhiên, theo tôi, với tình hình cây lúa phát triển tốt như hiện nay, mặt dù lượng giống giảm nhưng tin chắc chất lượng cây lúa sẽ tăng, từ đó năng suất cũng sẽ đảm bảo. Giảm lượng lúa gieo sạ thì mật độ cây lúa sẽ thấp hơn, từ đó giảm được lượng phân bón và giảm được sâu bệnh” - ông Khải nói.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - chuyên gia tư vấn của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI cho biết, Viện thường xuyên kiểm tra, lấy số liệu về nông học tại mô hình thí điểm.

“Khảo sát một số bà con nông dân ở đây, vụ Hè Thu năm trước canh tác theo quy trình của Đề án 1 triệu ha, tăng trưởng cây lúa khá cao, và theo đánh giá của các nhà chuyên môn về lấy số liệu nông học cũng rất đạt so với các các vụ trước” - ông Hiếu thông tin.

Theo quy trình 1 triệu ha thì thứ nhất là bà con giảm được lượng giống gieo sạ theo kiểu công tác truyền thống (từ 120 - 180kg/ha xuống còn 55 - 60kg/ha); giảm được 50% - 70% lượng giống là giảm được một lượng tiền đáng kể cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, việc sạ hàng kết hợp vùi phân giúp bà con giảm được thêm lượng phân bón. Lượng phân bón được vùi xuống trong lúc sạ làm giảm thất thoát so với việc rải phân bón trên bề mặt và bị rửa trôi theo nguồn nước và bị bốc hơi. Cây lúa tận dụng cái nguồn dinh dưỡng từ phân bón, đảm bảo cho việc phát triển tốt hơn.

Từ những tín hiệu tích cực ban đầu, hiện nhiều nông dân tại HTX Thuận Tiến, huyện Vĩnh Thạnh cũng đã đăng ký tham gia để mở rộng mô hình thí điểm vào mùa vụ tiếp theo.

Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Thuận Tiến kiểm tra ruộng lúa. Ảnh: T.Tiến.

Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Thuận Tiến kiểm tra ruộng lúa. Ảnh: T.Tiến.

Nông dân tham gia đề án không bỏ chi phí 3 vụ liên tiếp

Tại cuộc họp triển khai 5 mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL vừa diễn ra tại TP Cần Thơ vào ngày 2/5, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương cùng những đơn vị có liên quan tập trung tập huấn nâng cao năng lực cho HTX, khuyến nông cộng đồng, cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh về thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Triển khai cơ giới hóa đồng bộ, tổ chức quy trình canh tác bền vững, lắp đặt hệ thống đo giảm phát thải (MRV), thu gom rơm rạ và bình đẳng giới trong sinh kế của người dân, xây dựng thiết kế mẫu về thủy lợi nội đồng phù hợp với thổ nhưỡng và nguồn nước của từng vùng, tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải.

Ông Nam cho biết, nguồn vốn thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ do địa phương tham gia và Trung ương cùng bỏ ra. Trong đó, Trung ương sẽ chi trả về mặt kỹ thuật mô hình, còn địa phương sẽ chi trả về vật tư và hạ tầng. Bên cạnh đó là nguồn hỗ trợ, tài trợ từ IRRI và doanh nghiệp. “Trong 5 mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân sẽ không bỏ ra đồng nào trong 3 vụ liên tiếp. Chúng ta hỗ trợ tất cả để nông dân phấn khởi làm” - ông Nam nói.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL được triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre), chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2024-2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha. Giai đoạn 2 (năm 2026-2030), xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao và giảm phát thải mới, chủ yếu đầu tư cho những vùng diện tích mới trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.

Hiện nay, nông dân, các nhà khoa học cũng như ngành nông nghiệp đang kỳ vọng rất lớn đối với 5 mô hình thí điểm. Bởi khi các mô hình thí điểm mang lại hiệu quả thiết thực thì sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa để Đề án thành công.

Theo TS Trần Hữu Hiệp, từ bài học kinh nghiệm của mô hình cánh đồng lớn, việc tổ chức thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp phải thực hiện nghiêm ngặt theo lộ trình, cách tiếp cận mới. Để tạo không gian phát triển mới, đòi hỏi phải vượt qua “ranh giới hành chính tỉnh”. Cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở “vùng lõi”, “vành đai” và các khu vực trồng lúa bình thường khác, có xem xét mục tiêu sản xuất lúa cho an ninh lương thực hay lúa hàng hóa; đồng thời nâng cao trách nhiệm cho nhóm thương mại.

Thanh Tiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-an-1-trieu-hec-ta-lua-chat-luong-cao-nhung-tin-hieu-tich-cuc-10280062.html