Đề án 818 triển khai hiệu quả khi các cơ sở y tế tăng cường xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản

Việc các cơ sở y tế tăng cường xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản được đánh giá góp phần quan trọng trong triển khai hiệu quả Đề án 818. Một số Trung tâm y tế huyện đã đẩy mạnh triển khai ngay từ khi có kế hoạch, nhờ đó có nhiều kết quả tích cực.

Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020" (Đề án 818) được Bộ Y tế phê duyệt tháng 3/2015. Đề án được triển khai với mục tiêu từng bước nâng cao nhận thức của người dân về xã hội hóa các phương tiện tránh thai, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng phương tiện tránh thai; cung ứng dịch vụ KHHGĐ/SKSS chất lượng cho người dân đảm bảo sự công bằng xã hội và tính bền vững của chương trình DS-KHHGÐ.

Để triển khai Đề án, 5 năm qua Ban Quản lý Đề án 818 (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) đã tích cực triển khai nhiều hoạt động can thiệp huy động, duy trì và phát triển mạng lưới, hệ thống phân phối sản phẩm tại các cấp phân phối. Năm 2020, Ban Quản lý Đề án 818 đã thử nghiệm huy động các cơ sở y tế tham gia vào các hoạt động của Đề án Tiếp tục triển khai "Thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các cơ sở y tế đủ điều kiện giai đoạn 2019-2020" với nội dung mới về phòng chống nhiễm khuẩn, sức khỏe tỉnh dục, sàng lọc ung vú, ung thư cổ tử cung theo Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng Đề án 818 đến năm 2030.

Trước chủ trương này và thực hiện kế hoạch của tỉnh, Trung tâm y tế huyện Tuy Đức đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện Đề án đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện xã hội hóa PTTT tại 2/6 xã, gồm xã Đăk Bukso và xã Quảng Tân.

Theo đó, Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, tiếp thị các PTTT; chủ động phân phối sản phẩm PTTT theo hệ thống cộng tác viên Y tế - dân số; tìm hiểu tâm tư của chị em phụ nữ để dần thay đổi thói quen sử dụng PTTT miễn phí. Cùng với sự đảm bảo về số lượng, chủng loại các PTTT, Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức đã đẩy mạnh tiếp thị, xã hội hóa các PTTT theo hướng từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.

Nhờ sự nỗ lực của các cấp các ngành địa phương cũng như đội ngũ cộng tác viên dân số tại cơ sở, Đề án đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về tiếp thị xã hội hóa các PTTT. Trong đó, bao cao su Night happy, Yes 1.300/1.000 cái (Đạt 130% kế hoạch năm); Thuốc tránh thai hàng ngày Night happy 725/600 vỉ (Đạt 120% kế hoạch năm); Dụng cụ tử cung 60/60 cái (Đạt 100% kế hoạch năm); Thuốc tránh thai hàng ngày Anna 148/100 vỉ (Đạt 148% kế hoạch năm); Bao cao su Hello Plus: 288/288 cái (Đạt 100% kế hoạch năm); Dung dịch vệ sinh phụ nữ 20/20 chai (Đạt 100% kế hoạch năm).

Viên chức Trung tâm y tế Hạ Lang tư vấn cho người dân. Ảnh TTYT

Viên chức Trung tâm y tế Hạ Lang tư vấn cho người dân. Ảnh TTYT

Tại Trung tâm Y tế Hạ Lang, Cao Bằng cũng đã tham gia triển khai có hiệu quả Đề án 818. Trung tâm đã tổ chức dịch vụ lưu động chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại xã Thị Hoa (Hạ Lang) cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 - 49. Để tổ chức dịch vụ có hiệu quả, cộng tác viên dân số các xóm đã tiến hành rà soát số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có đủ 2 con chưa áp dụng biện pháp tránh thai; Tổ chức tuyên truyền, vận động, lập danh sách đối tượng tham gia dịch vụ; Chuẩn bị dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… để đáp ứng cho việc triển khai cung cấp dịch vụ.

Các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ có chồng đến Trạm Y tế xã khám sẽ được tư vấn về các bệnh phụ khoa và các biện pháp tránh thai như: đặt dụng cụ tử cung, thuốc uống tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, bao cao su... Kết quả, tới tháng 8/2021, Trung tâm đã thực hiện đặt dụng cụ tử cung được 8 ca, đạt 80% kế hoạch năm; uống thuốc tránh thai được 29/32 ca, đạt 90,6%; sử dụng bao cao su đạt 6/7 ca, đạt 85,7% kế hoạch năm; có 20 chị em được tư vấn về CSSKSS/KHHGĐ và sử dụng các biện pháp tránh thai.

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo Đề án 818, hiện nay việc triển khai đề án ở các địa phương vẫn còn gặp phải những khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do một số lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện chưa thật sự quan tâm đến công tác xã hội hóa các PTTT, hàng hóa SKSS thuộc Đề án 818; Việc ổn định tổ chức bộ máy tuyến cơ sở đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện công tác xã hội hóa; Đội ngũ công tác viên dân số thường xuyên biến động và thay đổi tạo sự không đồng đều trong trình độ của đội ngũ tham gia mạng lưới cung ứng. Kỹ năng tư vấn của đội ngũ làm công tác xã hội hóa cung cấp các PTTT và sản phẩm SKSS tại các tuyến còn hạn chế; Một số cộng tác viên còn ngại trong việc đi tiếp cận giới thiệu sản phẩm PTTT và hàng hóa SKSS;

Để hoạt động tiếp thị, xã hội hóa các PTTT đạt hiệu quả, sự tham gia tích cực từ các y tế cơ sở là điều rất quan trọng. Mặt khác, Ban quản lý Đề án cần đảm bảo nguồn cung PTTT dồi dào, đa dạng về mẫu mã để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao người dân khi họ đã tin dùng vào các sản phẩm PTTT xã hội hóa.

Các chuyên gia nhận định, thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai là một hướng đi đúng đắn rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể để góp phần thực hiện thành công Chương trình DS-KHHGĐ và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/de-an-818-trien-khai-hieu-qua-khi-cac-co-so-y-te-tang-cuong-xa-hoi-hoa-cung-cap-dich-vu-ke-hoach-hoa-gia-dinh-suc-khoe-sinh-san-172211214231101644.htm